Theo dõi Báo Hànộimới trên

51% dân số là nữ

Nguyễn Linh| 26/02/2011 07:10

(HNM) - Đảng ta luôn đánh giá cao và tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng của mình tham gia xây dựng đất nước, thực hiện nam nữ bình đẳng. Chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới, tờ trình số 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu đạt được từ 30% trở lên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là nữ. Để đạt được mục tiêu này, các cấp hội phụ nữ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp...

Khó đạt được mục tiêu

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tham gia bầu cử tại 63 tỉnh, TP trên cả nước do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định cho biết: Ngay trước hội nghị trực tuyến, Tỉnh hội phụ nữ đã hai lần họp giao ban từ cấp tỉnh, TP tới cơ sở, chuẩn bị cho công tác tham gia bầu cử của các cấp hội phụ nữ. Tuy vậy, so với tiêu chí 30% số đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là nữ rất khó thực hiện. Bởi ngay trong 29 vị thành viên Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, chỉ có một vị là nữ. Qua báo cáo bước đầu, mục tiêu 30% trở lên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là nữ khó lòng thực hiện. Tại tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh việc tích cực tham gia bầu cử, Tỉnh hội phụ nữ đã tổ chức bình chọn phụ nữ tiêu biểu, chủ động giới thiệu ứng cử viên nữ tranh cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Việc tăng cường cán bộ nữ cũng đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tuy vậy, hiện tỷ lệ ứng cử viên nữ cấp tỉnh cũng chỉ đạt khoảng 22%. TP Hồ Chí Minh là đơn vị luôn đi đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND. Hội LHPN TP đã khẳng định quyết tâm "hoàn thành chỉ tiêu". Theo các chị, việc hoàn thành chỉ tiêu là nhiệm vụ đòi hỏi nhiều nỗ lực của chị em, vượt chỉ tiêu như các nhiệm kỳ trước là điều không thể. Tình trạng thiếu ứng cử viên nữ (để đạt mục tiêu 30% đại biểu nữ trở lên) đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, TP, do công tác cán bộ nữ ít được địa phương quan tâm, đầu tư một cách bài bản. Hơn nữa, đây là công việc đòi hỏi có chiến lược, thường xuyên, liên tục…

Phụ nữ ngày càng khẳng định năng lực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh: Nhật Nam

Đại diện Hội LHPN TP Đà Nẵng cho rằng, dựa trên cơ cấu phân bổ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, cơ cấu đại biểu nữ thường phải gánh cả cơ cấu đại biểu trẻ, quần chúng, y tế, giáo dục... Trong khi đó, tại các đơn vị bầu cử, nữ ứng cử viên thường cùng tranh cử với các ứng cử viên cấp TƯ, TP (thường là chủ tịch UBND, HĐND, giám đốc tổng công ty…), sẽ khó lòng đắc cử, bởi cử tri có xu hướng bầu cho người có chức quyền, địa vị cao… Mục tiêu tỷ lệ đại biểu nữ từ 30% trở lên càng khó thực hiện.

Nhiều giải pháp

Bên cạnh chiến lược về cán bộ nữ, trong cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp lần này, để thực hiện quyền bình đẳng giới, quyền - nghĩa vụ công dân trong xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, các cấp Hội LHPN đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, đại biểu nữ có nhiều ưu thế hơn hẳn so với đại biểu nam. Trên thực tế, phụ nữ ít tham nhũng, nhậu nhẹt, lại thường tiết kiệm, sâu sát quần chúng hơn. Vì thế, chị em phụ nữ cần phải tự tin, quyết tâm hơn trong cuộc bầu cử lần này. Với các cử tri nữ, Hội cần tuyên truyền để chị em tích cực tham gia bầu cử từ cấp cơ sở, chủ động ủng hộ ứng cử viên nữ. Bên cạnh đó, các cấp hội cần xây dựng kế hoạch giới thiệu ứng cử viên nữ với chất lượng cao, tỷ lệ ít nhất đạt 35% ứng cử viên nữ để bảo đảm tỷ lệ 30% đại biểu nữ, tập huấn phương pháp xây dựng chương trình hành động gắn với các giải pháp đáp ứng nhu cầu của địa phương cho ứng cử viên nữ. Các cấp Hội cần chủ động đề xuất bố trí cơ cấu đơn vị ứng cử hợp lý, có lợi cho ứng cử viên nữ…

Thực tiễn cho thấy, ở những địa phương làm tốt thì chỉ tiêu 30% hoàn toàn có thể đạt được. Tiêu biểu như, công tác cán bộ nữ của Đảng bộ quận Hà Đông (Hà Nội) luôn được quan tâm phát triển. Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hà Đông Nguyễn Diệu Trúc cho biết, việc bổ nhiệm cán bộ nữ được chú trọng thực hiện theo đúng quy trình. Trong công tác quy hoạch, cán bộ nữ, trẻ được chú ý lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng ngay ở cơ sở. Dựa trên nhu cầu, năng lực cán bộ, sự tín nhiệm của cơ sở mà cán bộ nữ được bổ nhiệm vào nhiều vị trí chủ chốt. Vì thế, số cán bộ nữ được bổ nhiệm cấp phó, trưởng phòng ở Hà Đông khá nhiều; có phường, số cán bộ giữ vị trí chủ chốt còn chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới. Đợt bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, hoàn thành nhiệm vụ đạt mục tiêu 30% đại biểu nữ trở lên, chất lượng cao là không hề khó khăn với quận Hà Đông.

Phụ nữ chiếm 51% dân số, là lực lượng cử tri đông đảo. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách, pháp luật, chị em phụ nữ đang nỗ lực khẳng định quyền bình đẳng của mình trong cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của chị em thì vẫn cần sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
51% dân số là nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.