Theo dõi Báo Hànộimới trên

500.000 tài khoản Zoom lộ, lọt thông tin: Khuyến cáo cơ quan nhà nước không dùng ứng dụng

Thanh Hà| 14/04/2020 21:23

(HNMO) - "Trong ngày 14-4, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) ghi nhận hơn 500.000 tài khoản Zoom đã bị lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, gồm email, mật khẩu, đường dẫn URL các cuộc họp và mật khẩu kèm theo".

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Internet

Thông tin trên được Cục An toàn thông tin đề cập trong Công văn số 250/CATTT/VNCERT/CC cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom gửi các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước; doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính và các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin vào tối nay, 14-4.

Theo Cục An toàn thông tin, Zoom đang là phần mềm phổ biến cho học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa. Tuy nhiên, phần mềm này tồn tại một số lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như: Mã hóa dữ liệu đầu cuối kém, dễ dàng bị dò quét ID cuộc họp, lỗ hổng liên quan đến đường dẫn UNC (Universal Naming Convention).

Từ đầu năm 2020, nhiều lỗ hổng bảo mật của Zoom đã được công bố mã lỗ hổng (trong đó có lỗ hổng chưa được nhà cung cấp xử lý triệt để) như: CVE-2020-11500, CVE-2020-11469, CVE-2020-11470... với nhiều mức độ nguy hiểm khác nhau. Thông qua những lỗ hổng trên, tin tặc có thể truy cập bất hợp pháp vào các phòng họp, theo dõi, truyền bá các thông tin xấu độc, đánh cắp thông tin hoặc cài đặt mã độc trực tiếp trên máy tính người dùng. Vì vậy, Cục An toàn thông tin khuyến cáo 4 nội dung sau:

Thứ nhất, các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến tại đơn vị mình. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác cân nhắc cẩn thận khi sử dụng.

Thứ hai, nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa do doanh nghiệp uy tín sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm do doanh nghiệp uy tín trong nước cung cấp như: Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, VNG, CMC, Nhân Hòa...

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp cung cấp phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa phải trang bị đầy đủ các tính năng bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng.

Thứ tư, người dùng các phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa cần chú ý tải phần mềm từ các nguồn chính thống; thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất; không chia sẻ thông tin về phòng họp (ID, mật khẩu) để tránh các trường hợp bị kẻ xấu theo dõi, phá hoại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
500.000 tài khoản Zoom lộ, lọt thông tin: Khuyến cáo cơ quan nhà nước không dùng ứng dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.