Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam: Lan tỏa văn hóa đọc

Yên Nga| 19/04/2019 06:24

(HNM) - Những con số, những thành tựu và hiệu ứng xã hội tích cực thêm khẳng định, việc thực hiện Ngày sách Việt Nam là chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.


Văn hóa đọc ngày càng lan tỏa sâu rộng nhờ tổ chức tốt Ngày sách Việt Nam. Ảnh: Bá Hoạt


Đến dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, những người công tác trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách.

Sách được “phủ sóng” rộng khắp

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam để thực hiện các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tháng 4 trở nên đáng nhớ hơn không chỉ với những người yêu sách, người sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách, mà còn với mỗi người Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, qua 5 năm triển khai, các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trên cả nước đã phát động, xây dựng phong trào đọc, viết, quảng bá, lưu giữ sách trong mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các hoạt động về Ngày sách Việt Nam đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của sách và việc đọc sách.

Hằng năm, Ngày sách Việt Nam được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn, không chỉ ở các tỉnh, thành phố mà đã được chú trọng triển khai đến địa bàn cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn. Hiện tại, đã có tới 90% số tỉnh, thành phố triển khai hoạt động của Ngày sách Việt Nam đến các quận, huyện và 30% tỉnh, thành phố tổ chức tại cấp phường, xã.

Mỗi bộ, ngành, tổ chức, địa phương đều tự tìm tòi để hình thành mô hình tổ chức Ngày sách Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế, đưa sách "phủ sóng" rộng khắp. Trong hệ thống giáo dục, hơn 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và hơn 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày sách Việt Nam; xây dựng được hơn 30.000 tủ sách phụ huynh. Đến nay, 100% số thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc, tăng cường phục vụ sách lưu động về các vùng sâu, vùng xa, hải đảo…

Đối với lực lượng an ninh, quốc phòng, Ngày sách Việt Nam được thực hiện gắn với phong trào đọc sách trong toàn quân để nâng cao bản lĩnh chính trị, hiểu biết cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, việc xây dựng tủ sách tại các trại giam đã tạo dấu ấn nổi bật của ngành Công an, góp phần giác ngộ nhiều phạm nhân. Các tổ chức Đoàn, Đội, Hội đã phát huy sức mạnh, xây dựng hơn 36.000 tủ sách các loại, với 4 triệu cuốn sách.

Song có lẽ, Ngày sách Việt Nam tác động tích cực và lan tỏa rộng nhất là ở các địa phương. Điển hình như tại Hà Nội, UBND thành phố đã xây dựng Phố sách, tổ chức Phố sách Xuân, Hội sách thiếu nhi, Hội sách Hà Nội, tạo không gian phát triển văn hóa đọc lành mạnh ở Thủ đô. Nhiều nơi trên cả nước cũng đã tổ chức các hoạt động của Ngày sách Việt Nam như hội sách, phố sách, xây dựng hàng chục nghìn thư viện, tủ sách tư nhân, quyên góp hàng triệu bản sách...

Nét đẹp trong đời sống

Không chỉ trong khuôn khổ các hoạt động Ngày sách Việt Nam, 5 năm qua, phong trào đọc sách, đưa sách đến với người đọc đã lan tỏa rộng khắp, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống. Ông Đào Quang Huy, 86 tuổi, nhiều năm qua bằng chiếc xe đạp và lòng nhiệt huyết đã xây dựng tủ sách gia đình tại xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang để phục vụ miễn phí người dân. Ông Đào Quang Huy chia sẻ: “Việc làm của tôi xuất phát từ ước nguyện khơi dậy văn hóa đọc, mở mang tri thức cho mọi người để phát triển địa phương, xây dựng đất nước. Đến nay, thư viện đã có gần 9.000 bản sách. Điều đáng nói, không chỉ có thiếu nhi, nhiều cán bộ, đảng viên, người lao động trong xã, rồi cả người khiếm thị cũng tìm đến đọc sách…”.

Đối tượng đến Hội sách nhiều nhất là các bạn trẻ. Ảnh: Giang Sơn


Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, Ngày sách Việt Nam ra đời là cơ hội để các đơn vị xuất bản, phát hành đưa sách hay, sách mới đến cộng đồng, khuyến khích người viết, người đọc, giúp thị trường sách sôi nổi, đóng góp tích cực không chỉ về mặt tri thức, mà cả kinh tế cho đất nước.

Đánh giá về việc thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg trong 5 năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Ngày sách Việt Nam đã trở thành dịp để các bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà xuất bản, những nhà hảo tâm chung tay phát triển văn hóa đọc. Để phong trào học, đọc sách lan tỏa, có chiều sâu hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục phát huy bài bản các mục tiêu của Ngày sách Việt Nam; đồng thời, cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản hoạt động và đưa sách đến cộng đồng. Các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương cần tích cực lồng ghép phong trào đọc sách với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khuyến học, khuyến nông; tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, tôn vinh tác giả, tác phẩm, văn nghệ sĩ, những người tích cực hoạt động phát triển văn hóa đọc; phát huy tốt vai trò của Hội Xuất bản, Hội Khuyến học; tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế trong lĩnh vực xuất bản…

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen 8 tập thể, 5 cá nhân; Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen 42 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Trong 5 năm qua, ngành Xuất bản đã cho ra đời 160.000 xuất bản phẩm, với 1,9 tỷ bản sách, tăng 20% so với trước đây. Chất lượng, hình thức xuất bản phẩm được nâng cao, cung cấp đa dạng kiến thức, thông tin, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam: Lan tỏa văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.