Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 đối tượng nên đi sàng lọc bệnh tăng áp động mạch phổi

Gia Phong| 27/07/2016 15:40

(HNMO) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học “Tăng áp động mạch phổi - cái chết được báo trước” do Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Y khoa trường đại học RUSH-Chicago (Mỹ) phối hợp tổ chức ngày 27-7.


Ảnh minh họa từ internet


Được biết, trên thế giới, tỷ lệ người mắc TAĐMP nằm trong khoảng 2-25 người/triệu dân. Ở Mỹ, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ này là 2/1000 trẻ sơ sinh sống. Ở Việt Nam hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, bệnh tăng áp phổi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ tuổi sơ sinh tới người cao tuổi tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

PGS.TS. Trương Thanh Hương, Trưởng đơn vị Tim mạch trẻ em, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chúng ta vẫn quen với khái niệm tăng huyết áp, đó là tăng huyết áp trong các động mạch hệ đại tuần hoàn. Tăng áp phổi là tăng áp lực hệ tiểu tuần hoàn. Bệnh tăng áp động mạch phổi nếu không được điều trị hoặc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì thường có tiên lượng rất nặng và có các biến chứng như: Bệnh tim do phổi dẫn đến suy tim bên phải, tiên lượng nặng và gây ra tử vong. Ngoài ra, tăng áp động mạch phổi làm tăng khả năng hình thành các cục máu đông trong động mạch nhỏ trong phổi, gây nhồi máu phổi, nếu có hẹp hay tắc mạch máu lớn có thể gây sốc và tử vong. Thậm chí, bệnh còn gây ra chứng loạn nhịp tim: tim đập không đều (loạn nhịp tim) nguồn gốc từ nhĩ hoặc thất là biến chứng của TAĐMP. “Có các triệu chứng như: chóng mặt, đánh trống ngực hoặc ngất xỉu. Hơn nữa, khi ho ra máu cùng với chảy máu trong phổi là một biến chứng nặng có khả năng gây tử vong”, PGS.TS Trương Thanh Hương nhấn mạnh.

ThS. Nguyễn Minh Hùng, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, TAĐMP ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc triệu chứng rất nhẹ, dễ bị bỏ qua. Khi bộc lộ triệu chứng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Các triệu chứng của TAĐMP cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như: Khó thở, đau ngực, mệt, phù chân, ngất, ho ra máu… Để chẩn đoán và điều trị TAĐMP, người bệnh nên đến cơ sở y tế nhất là chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán đầy đủ và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân có thể xuất viện và điều trị theo phác đồ tại nhà. Tuy nhiên, TAĐMP dù có điều trị hay không thì vẫn thường trực gây ra các biến chứng nặng như ho ra máu, suy tim phải, ngất… Các biến chứng này đều có thể gây tử vong kể các khi bệnh nhân đang nằm viện.

Cũng theo ThS. Nguyễn Minh Hùng, do triệu chứng không điển hình và mơ hồ ở giai đoạn đầu nên 5 đối tượng nguy cơ cao bị TAĐMP cần chủ động đến khám sớm để được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, bao gồm: Tiền sử gia đình có người bị TAĐMP; bệnh nhân có bệnh tim bẩm sinh; bệnh nhân có bệnh hệ thống như xơ cứng bì, lupus ban đỏ; bệnh nhân có tiền sử tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan; bệnh nhân nhiễm HIV.

PGS.TS Trương Thanh Hương cho biết, trước năm 1980, khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu thì thời gian sống trung bình từ khi phát hiện bệnh TAĐMP vô căn cho đến khi tử vong là 2,8 năm. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nếu tìm được nguyên nhân gây TAĐMP thì bệnh nhân sẽ được điều trị theo nguyên nhân. Trong trường hợp, TAĐMP vô căn (không rõ nguyên nhân) hoặc nguyên nhân không loại bỏ được, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các thuốc giãn động mạch phổi và các biện pháp điều trị hỗ trợ tùy thuộc vào nhóm bệnh và mức độ nặng của bệnh. Đối với các thuốc điều trị đặc hiệu, hiện nay trên thế giới có 4 -5 nhóm thuốc chính, trong từng nhóm thuốc có các loại thuốc khác nhau. Một số thuốc đã có nghiên cứu chứng minh hiệu quả làm giảm tỷ lệ tử vong như: Bosentan hoặc cải thiện triệu chứng cho người bệnh như: Sildenafil.

Hiện nay, Viện Tim mạch-Bệnh Viện Bạch Mai có 3 loại thuốc đặc hiệu: Bosentan, Iloprost và Sildenafil. Đây cũng là cơ sở đầu tiên có những hoạt động về khám, sàng lọc, phát hiện và điều trị bệnh TAĐMP một cách hệ thống dưới sự hướng dẫn và chuẩn hoá của các chuyên gia tăng áp động mạch phổi đến từ trường Đại học RUSH- Chicago- Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 đối tượng nên đi sàng lọc bệnh tăng áp động mạch phổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.