Trong giao tiếp mỗi ngày có những quy tắc với cấp trên mà nhân viên cần tuân thủ dù ở bất kỳ môi trường, lĩnh vực nghề nghiệp nào. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi có những sự thay đổi trong nhân sự, sếp cũ chuyển công tác nơi khác và sếp mới đến, nhận việc điều hành, quản lý. Lúc này, bạn ở vị trí là một nhân viên, ngoài những nguyên tắc cơ bản thì cũng cần để ý hạn chế những hành vi mang tính chất nhạy cảm, dễ gây ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân bạn mà còn đến tổ chức, doanh nghiệp.
So sánh với sếp cũ
Đây là một trong những hành vi tiêu cực thường thấy ở nhiều môi trường công sở và dường như đã trở thành một thói quen khó bỏ trong suy nghĩ và hành động của đội ngũ nhân viên. Khi tạm biệt người cũ, đón người mới thì thường bạn sẽ có xu hướng đưa ra những chỉ tiêu khác nhau để so sánh, đánh giá một cách chủ quan và mang khuynh hướng cảm tính rất nhiều. Thay vì giải quyết vấn đề như vị sếp cũ, sếp mới đã giải quyết theo hướng khác và bạn đã ngay lập tức lên tiếng đưa ra phép so sánh như một phản xạ. Đây là một điều tối kỵ bởi nó mang ý nghĩa khập khiễng và thiếu chuyên nghiệp.
Tỏ ra không hợp tác
Trong trường hợp nhận thấy sếp mới có những điểm nào đó khiến cá nhân chưa hài lòng, nhân viên thường có xu hướng tỏ ra bất hợp tác. Điều này thể hiện thông qua việc tiếp nhận các tác vụ, công việc mà sếp mới giao cho. Thay vì đón nhận tích cực thì bạn lại có những hành vi chống đối, bộc lộ ngoài mặt thái độ xem thường, ương ngạnh. Để đối phó với thái độ bất hợp tác này của bạn, đa phần sếp mới sẽ không ngay lập tức xử lý kỷ luật (vì mong muốn xoa dịu, đắc nhân tâm) thế nhưng nếu như tình hình cứ kéo dài, rất có thể không những lợi ích doanh nghiệp đi xuống mà bạn có thể sẽ hứng chịu hình phạt vì hành vi của mình, nặng nhất là phải tham khảo các việc làm mới nhất trên các trang web tuyển dụng để tìm một vị trí mới.
Không nói lên ý kiến trực tiếp
Quyết định này thường có nguyên nhân bắt nguồn từ hành vi trên. Khi sếp bộc lộ những điểm bạn chưa thực sự hài lòng hay còn gì đó chưa phù hợp với văn hóa phòng ban, đã được cố định từ trước. Thay vì nói chuyện thẳng thắn hay góp ý xây dựng với sếp thì bạn lại chọn cách nói “sau lưng”, chia sẻ với đồng nghiệp, nhân viên khác hoặc quản lý cấp cao hơn. Đây là một quyết định hoàn toàn sai lầm, sếp mới là người chịu trách nhiệm về việc nhận bàn giao công việc để tiếp tục điều hành tập thể, vì thế, họ chính là người cần trực tiếp nhận được phản hồi từ nhân viên chứ không phải từ bất kỳ ai khác. Đừng lo sếp của bạn sẽ ngại, chỉ cần bạn khéo léo trong lời nói, hành động chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện ngay trong tuần tới mà thôi.
Thể hiện bản thân quá mức
Đây là vấn đề hay gặp phải ở một số nhân viên làm việc trong môi trường đòi hỏi tính cạnh tranh cao. Họ thường cố ý thể hiện bản thân thông qua các hành động không cần thiết để chứng tỏ kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm hoặc tố chất đặc biệt. Hành động này về cơ bản không đáng lên án vì động cơ không quá tiêu cực, thế nhưng bạn nên hiểu rằng nếu bạn thực sự có năng lực, cấp trên sẽ đủ thông thái để nhìn ra và giao phó cho những công việc phù hợp để thực hiện mục tiêu chung.
Tranh thủ nịnh bợ
Cuối cùng nhưng không hề hiếm gặp đó chính là thói quen nịnh bợ từ xưa đến nay trong hầu hết môi trường làm việc có cấp trên - cấp dưới. Nịnh bợ bắt nguồn từ suy nghĩ nông cạn, quen luồn cúi, nói những điều tốt đẹp nhưng không đúng sự thật nhằm lấy lòng - đặc biệt là lấy lòng sếp mới, xa hơn là phục vụ cho lợi ích cá nhân. Nếu gặp một người quản lý mới liêm khiết, mẫu mực thì chắc chắn người có hành vi này sẽ không được đánh giá cao.
Trên đây là 5 điều nhân viên tránh làm với sếp mới. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn loại bỏ những thói quen xấu, tiêu cực, thay vào đó là những thói quen tích cực để trở thành một nhân viên chuyên nghiệp, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.