(HNMO) - Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 14-6.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng, trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng.
Thông tin được đưa ra tại hội nghị cho thấy, tính đến ngày 31-5-2021, kế hoạch vốn năm 2021 nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc tích hợp (TABMIS) là 75,54% kế hoạch vốn được giao đầu năm.
Tuy nhiên, việc giải ngân của các địa phương vẫn rất khó khăn. Vốn đã giải ngân chỉ đạt 1,73% dự toán, trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương giải ngân đạt 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân đạt 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm. Mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%. Đáng chú ý, 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%.
Tại hội nghị, những vướng mắc và nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đã được chỉ ra. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có nhiều nguyên nhân khác như: Chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; chậm giao, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn (đến ngày 31-5-2021, vẫn còn 10 địa phương chưa giao kế hoạch vốn vay lại); chậm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư (chậm giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công); chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; hồ sơ rút vốn không đủ điều kiện giải ngân phải trả lại…
Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn năm 2021, Bộ Tài chính cam kết hoàn thành kiểm soát chi trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) trong vòng 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án, trong thẩm quyền được giao, chủ động điều chỉnh dự toán và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong trường hợp giảm dự toán được giao; ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai, thực hiện trên địa bàn của các địa phương.
Bộ Tài chính đề nghị các chủ dự án, các ban quản lý dự án chủ động triển khai các công việc thuộc trách nhiệm của chủ dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, chờ chỉ đạo, đặc biệt là đối với các dự án mua sắm thiết bị; tập trung triển khai các công việc đã có khối lượng hoàn thành, đã thực hiện kiểm soát chi theo đúng quy định để có căn cứ ký đơn rút vốn, không để tồn đọng khối lượng đã kiểm soát chi lớn nhưng chưa thực hiện giải ngân như hiện nay…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.