Hà Nội kết nối

3 dự án đang được mong đợi tại thành phố Hồ Chí Minh

An Tôn 20/11/2023 - 09:25

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh vừa trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thực hiện 3 dự án quan trọng, gồm: Nối dài đường Vành đai 2; xây cầu Nguyễn Khoái và xây cầu Cần Giờ.

Nối dài Vành đai 2 trong năm 2027

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình UBND thành phố Hồ Chí Minh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nối dài đường Vành đai 2, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng (đoạn 2). Nếu được các cấp thông qua và khởi công từ năm 2025, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2027, tổng vốn đầu tư 4.543 tỷ đồng.

a318.png
Đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 60km, nhưng vẫn còn hơn 11km chưa được xây dựng, với nhiều đoạn chưa khép kín hơn 10 năm qua. Đồ họa: Sở GTVT

Thành phố đang phấn đấu thực hiện đoạn 2, từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng trên địa bàn thành phố Thủ Đức, dự kiến từ năm 2025 và hoàn thành năm 2027. Đoạn này dài gần 2,5km. Giai đoạn 1 giải phóng mặt bằng toàn bộ, xây dựng đường song hành hai bên. Mỗi đường có bề rộng 16,5m, đáp ứng 3 làn xe. Để trống ở giữa 34m (hoàn thiện vỉa hè, trồng cây xanh…).

a319(1).png
Giai đoạn 1, sẽ để trống 34m ở giữa hai làn đường. Đồ họa: Sở GTVT.

Giai đoạn 2 sẽ mở rộng đường mặt cắt ngang 67m với 14 làn xe (8 làn xe/tuyến chính, 6 làn xe/2 đường song hành).

a317a(1).jpg
Phối cảnh đoạn đường Vành đai 2 giai đoạn hoàn chỉnh. Đồ họa: Sở GTVT.

Đáng chú ý, trong dự án này, nút giao thông đường Vành đai 2 với đường Phạm Văn Đồng sẽ là nút 3 tầng, giúp giải quyết các vấn đề ùn tắc để các phương tiện lưu thông thuận tiện hơn.

a321.png
Phối cảnh nút giao đường Vành đai 2 với đường Phạm Văn Đồng. Đồ họa: Sở GTVT

Xây cầu Nguyễn Khoái nối quận 1 với quận 4 và quận 7

Cầu Nguyễn Khoái là cây cầu được người dân, doanh nghiệp khu vực phía Nam thành phố Hồ Chí Minh trông đợi nhiều năm qua, bởi cây cầu này sẽ góp phần quan trọng trong giải quyết tình trạng ùn ứ người và phương tiện ngày càng nghiêm trọng khi lưu thông từ huyện Nhà Bè và quận 7 qua kênh Tẻ sang quận 4 để vào trung tâm thành phố.

a313.jpg
Phối cảnh hướng tuyến cầu Kênh Tẻ từ quận 7 (bên trái) vượt kênh Tẻ sang quận 4, sau đó vượt rạch Bến Nghé sang quận 1 bằng nút giao với đường Võ Văn Kiệt - Đại lộ Đông Tây. Đồ họa: Sở GTVT

Dự án này được phê duyệt từ năm 2017. Khi đó chỉ là phần cầu vượt kênh Tẻ và đường xuống quận 4, tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng. Sau khi thay đổi thiết kế, quy hoạch để xây cầu, đường nối 3 quận, dự án tăng mức đầu tư lên 3.725 tỷ đồng.

a314.jpg
Phối cảnh nút giao từ quận 4 vượt rạch Bến Nghé sang quận 1 và nối xuống đường Võ Văn Kiệt. Đồ họa: Sở GTVT
a316.jpg
Phối cảnh nút giao vượt kênh Tẻ của dự án. Đồ họa: Sở GTVT
a323a.jpg
Dự án cầu và đường Nguyễn Khoái (màu đỏ) được kỳ vọng sẽ giải quyết ách tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng tại khu Nam thành phố Hồ Chí Minh. Đồ họa: Bích Ngọc.

Xây cầu Cần Giờ giai đoạn 2025-2028

Theo phương án được Thủ tướng chấp thuận, cầu Cần Giờ có điểm đầu nằm trên đường 15B theo quy hoạch, điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác, cách phà Bình Khánh khoảng 2,5km về phía Nam. Tổng chiều dài dự án là 7,3km.

a305a.jpg
Phối cảnh mới nhất của dự án cầu Cần Giờ, với 2 trụ dây văng cách điệu hình tượng cây đước. Đồ họa: Sở GTVT

Trước đó, đã có nhiều phương án đề xuất về hướng tuyến của dự án. Cuối cùng, phương án trên đã được chọn, vì ít gây ảnh hưởng nhất đến người dân, doanh nghiệp vùng dự án.

a324.jpg
Các phương án đề xuất và phương án được chọn (màu đỏ). Đồ họa: Sở GTVT.
a307.jpg
Phối cảnh cầu Cần Giờ. Đồ họa: Sở GTVT

Tĩnh không cầu Cần Giờ sẽ cao khoảng 55m, đáp ứng nhu cầu đi lại của tàu thuyền khi đi qua sông Soài Rạp. Dự kiến, dự án sẽ được trình HĐND thành phố Hồ Chí Minh xem xét, thông qua trong tháng 12-2023; khởi công vào dịp 30-4-2025; hoàn thành vào năm 2028. Dự án được đầu tư bằng hình thức PPP, với tổng mức đầu tư hơn 10.500 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
3 dự án đang được mong đợi tại thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.