Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 diễn ra đúng vào thời điểm chúng ta kỷ niệm 25 năm tiến hành công cuộc Đổi mới mà Đại hội Đảng lần thứ VI phát động.
Nhìn lại 25 năm Đổi mới, có thể thấy, chìa khóa thành công cho những thành tựu của đất nước ngày hôm nay chính là Đổi mới tư duy, cởi trói sức sáng tạo cá nhân, mở cửa để hòa cùng xu thế Toàn cầu hóa của thời đại. Những thực tiễn sống động của cuộc sống đã cho thấy, Đổi mới tư duy kinh tế và Hội nhập đã trở thành những thành quả lớn nhất của 25 năm Đổi mới mà Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.
Công ty Cholimex ngày nay được hình thành từ những năm đầu thập niên 80. Lãnh đạo Cholimex thời đó là Ông Phan Chánh Dưỡng, cũng là người đã đi qua những năm tháng khó khăn nhất của nền kinh tế đất nước. Ông Dưỡng nhớ lại câu chuyện mà ông cho là điển hình của một thời bao cấp.
Giá sắn mà Nhà nước thu mua của nông dân là 1,5 đồng/kg, nhưng vì bị lỗ nên nông dân không thu hoạch mà vứt bỏ ngoài đồng. Ông Dưỡng là người đã quyết định thu mua sắn của nông dân với giá 5 đồng/kg để xuất khẩu. Sắn ngay lập tức được thu hoạch và Nhà nước thu về ngoại tệ từ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc làm này của Cholimex sau đó đã bị cho là tranh mua của Nhà nước và phá hoại nền kinh tế.
Kết quả thanh tra năm 1983 cho rằng, Cholimex có biểu hiện chạy theo kinh tế thị trường, một giá trị mà giờ đây tất cả đều thừa nhận.
Ông Phan Chánh Dưỡng, Chuyên gia Kinh tế khẳng định: “CNXH là lý tưởng tốt đẹp, phân phối cho những người nghèo, tuy nhiên phải có của cải để phân phối. Vì vậy cần phải có Kinh tế thị trường, nó là công cụ của CNXH”.
Kinh tế thị trường và những giá trị của nó mà ông Dưỡng và nhiều người khác khởi xướng đã nhanh chóng được thừa nhận ít năm sau đó.
Đại hội VI khẳng định cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Đại hội 7 bắt đầu thừa nhận “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước”. Và sau này là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Sau khi rời Cholimex, cũng chính ông Dưỡng là người đã sang Đài Loan mời Lawrence S.Ting tới Việt Nam để đầu tư vào Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng ra đời từ 2 dự án được coi là khai phá vùng đất sình lầy phía Nam thành phố này.
Từ những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên này, cho đến ngày hôm nay, hàng trăm tỉ USD đã được đầu tư về Việt Nam, nơi giờ đây đã được coi là một trong những điểm thu hút FDI hấp dẫn nhất thế giới.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam nhận định: “Trước đây mỗi kỳ Đại hội Đảng rất hồi hộp với nhà đầu tư nước ngoài, vì người ta muốn biết đất nước sẽ đi theo đường lối nào. Nhưng từ những năm 1996 thì với chính sách đổi mới, con đường Việt Nam đi đã rõ ràng, mở cửa và hội nhập. Người dân Việt Nam muốn có mức sống cao hơn, chính phủ cũng biết cách tốt nhất để nâng cao mức sống cho người dân là đưa Việt Nam mở cửa với thế giới. Giờ điều chúng tôi mong là sau Đại hội Đảng, mọi người sẽ bắt tay vào công việc sớm ổn định kinh tế vĩ mô, điều này rất quan trọng với các nhà đầu tư. Tôi tin tưởng năm 2011 sẽ là năm rất tốt với Việt Nam”.
Đổi mới tư duy kinh tế và Hội nhập quốc tế đã trở thành những thành tựu lớn nhất trong 25 năm Đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa trì trệ và xơ cứng, giờ đây, Việt Nam luôn được xếp vào nhóm nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Bước sang năm Đổi mới thứ 25, Việt Nam hoàn thành mục tiêu thoát nghèo, chính thức bước vào Khối các nước có thu nhập trung bình, thu nhập GDP trên đầu người trên 1000 USD/người/năm.
Lịch sử đã chứng minh, nhiều chính sách đúng ngày hôm qua nhưng ngày hôm nay đã trở thành lực cản. Thành tựu của 25 năm đổi mới của Đảng giúp chúng ta vững tin vào con đường đã lựa chọn, Đổi mới và Đổi mới toàn diện vì sự phát triển của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.