(HNM) - Năm 2009 đã khép lại với những nỗ lực chống suy giảm kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP trên 5%. Chính sách chống suy giảm kinh tế do Chính phủ ban hành kịp thời trong năm 2009 là một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam vững bước vượt qua khó khăn.
Theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, sự ổn định chính trị và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được 20 năm đổi mới chính là tiền đề quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua những thời khắc gian khó trong năm qua.
Thời khắc "lửa thử vàng"
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cửa Lò. Ảnh: TTXVN
Vừa trải qua những khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng lạm phát tăng phi mã diễn ra trong năm 2008, kinh tế Việt Nam năm 2009 lại đối đầu với những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Do đã hội nhập với kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam không tránh khỏi những hệ lụy khi kinh tế toàn cầu suy giảm. Hàng loạt lĩnh vực kinh tế quan trọng như: thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, du lịch... sụt giảm. Các DN xuất khẩu chật vật tìm kiếm thị trường, song lợi nhuận thu về không đáng kể do giá hàng hóa giảm mạnh. DN cũng chật vật chèo lái trước "cơn bão" suy giảm kinh tế, có DN buộc phải giải thể khiến không ít người lao động rơi vào tình cảnh mất việc làm....
Dự báo trước những tác động tiêu cực sẽ xảy ra với kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30, đặt ra mục tiêu chống suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều chính sách hỗ trợ tài chính đã được Chính phủ thực hiện nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn: giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của quý IV-2008 và số thuế TNDN phải nộp cả năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhỏ và vừa; giãn thời hạn nộp thuế TNDN phải nộp năm 2009 trong 9 tháng với DN nhỏ và vừa và một số DN sản xuất đặc thù; tạm hoàn 90% số thuế GTGT đầu vào đối với hàng xuất khẩu. Chính phủ cũng quyết định điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất để tạo điều kiện cho DN giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh; điều chỉnh tăng thuế trong khuôn khổ cam kết WTO, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất trong nước, kiềm chế nhập siêu. Đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, Chính phủ đã thực hiện chính sách ân hạn thời hạn nộp thuế (275 ngày), tạo cho DN có thêm nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho DN vay vốn sản xuất, kinh doanh trị giá 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng), Chính phủ đã nỗ lực cải cách thủ tục xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và cắt giảm thủ tục hành chính thuế... tạo điều kiện tối đa cho DN phục hồi sản xuất và mở rộng xuất khẩu.
Một số chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2010 * Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% * Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13% * Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 39,5% GDP * Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15% * Tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động * Giảm tỷ lệ nghèo xuống 12% * Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 11,4% * Cung cấp nước hợp vệ sinh cho 79% dân số nông thôn... |
Gặt hái thành công
Những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đã tác động tích cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2009. 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP đạt 4,56%, quý IV-2009 đạt khoảng 6,8% và cả năm 2009, GDP tăng 5,2%. Đây là mức tăng trưởng đáng được ghi nhận. Một số ngành kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét, trong đó sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 5,4%; du lịch nội địa tăng 18%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,9%...
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ tài chính, việc thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đã được các bộ, ngành ráo riết thực hiện nhằm loại bỏ những thủ tục gây phiền hà cho người dân và DN. Riêng trong ngành tài chính, hai lĩnh vực còn tồn tại nhiều vướng mắc là thuế và hải quan cũng có những cải cách rõ nét. Việc triển khai thí điểm quy trình khai thuế qua mạng internet; thu, nộp thuế qua hệ thống ngân hàng và khai báo hải quan điện tử đã được nhiều địa phương triển khai thí điểm, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định, mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công. Trong cả năm 2009, ước thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội là 708,5 nghìn tỷ đồng, bằng 42,2% GDP, tăng 16% so với năm 2008. Các chính sách an sinh xã hội đã được thực hiện kịp thời nhằm hỗ trợ các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn. Theo Thủ tướng, bên cạnh thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã gặt hái được sau 20 năm đổi mới và phát triển, sự ổn định chính trị vốn có là nền tảng quan trọng giúp kinh tế Việt Nam vững bước vượt qua khó khăn. Năm 2010, kinh tế Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn mới. Mục tiêu của Chính phủ là chủ động ngăn ngừa lạm phát và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề vững chắc để nền kinh tế sớm khôi phục đà tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo.
Khép lại năm 2009 với những biến động tài chính phức tạp, Việt Nam đã ghi được dấu ấn đẹp bằng việc giữ được tốc độ tăng trưởng dương. Với những thay đổi chiến lược về mục tiêu phát triển KT-XH của Chính phủ, năm Canh Dần, mỗi người dân, DN đều có quyền kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.