Theo dõi Báo Hànộimới trên

20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Thương mại là lĩnh vực thành công nhất

Đặng Loan| 31/07/2015 18:24

(HNMO) - Trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 31-7 Liên hiệp các Hội Hữu nghị TP Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt - Mỹ TP Hồ Chí Minh, Công ty Winway đã cùng phối hợp tổ chức hội thảo “20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Nhìn từ góc độ kinh tế”.


Tăng trưởng gấp nhiều lần trong 20 năm

“Đánh giá về lĩnh vực thành công nhất từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và cho đến nay tròn 20 năm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã cho rằng đó là lĩnh vực thương mại”, ông Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Mỹ TP Hồ Chí Minh phát biểu mở đầu hội thảo. Cách đây 20 năm thương mại song phương hai nước chỉ đạt gần 500 triệu USD thì gần đây đã đạt 35 tỷ USD và dự kiến trong năm 2015 là 40 tỷ USD. “Mối quan hệ giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ đã phản ánh sống động lòng tin lẫn nhau”, ông Trần Ngọc Châu nói.

Bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh đánh giá hai nước đã có nhiều thành tựu trong 20 năm qua, và đây là giai đoạn rất sôi động trong quan hệ song phương. Gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ và hội kiến với Tổng thống Barack Obama. Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã phổ biến một thông cáo chung ghi nhận những thành tựu chung trong quá khứ và định hướng phát triển trong tương lai. “Mối quan hệ giữa hai nước sẽ càng tăng khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn thiện và kiến tạo một khu vực kinh tế bao trùm 40% nền kinh tế thế giới”, bà Rena Bitter kỳ vọng.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là “câu chuyện thú vị” trong bức tranh tổng thể về đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Từ năm 2012, Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại thường xuyên hơn. Trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại lớn nhất được ghi nhận với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan. Ngược lại, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, Hồng Kông, Anh, UAE…

Triển vọng từ TPP

Lý giải tại sao thời điểm này TPP được nhắc đến nhiều trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng đó là bởi TPP không chỉ đơn thuần là quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia mà còn là một khuôn hình mẫu của những mối quan hệ hợp tác sâu rộng theo hướng kinh tế thị trường và thương mại tự do. TPP sẽ tiếp tục củng cố và mang lại những động lực mới cho cả hai nước cùng phát triển. Theo Thứ trưởng, con số dự báo mức tăng trưởng sau khi TPP hoàn thành còn phụ thuộc vào nhiều tính toán khác nhau nhưng có thể nói là mức tăng trưởng sẽ rất ấn tượng, đặc biệt là ngành dệt may, đồ gỗ khi mức thuế suất về 0%.

Ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang rất phát triển nhờ chính sách mở cửa, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Năm 2014 ngành dệt may đã xuất khẩu 24,3 tỷ USD, trong đó vào Hoa Kỳ gần 10 tỷ USD, chiếm gần 10% thị phần nhập khẩu dệt may của nước này, đứng thứ hai xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc (năm 2014 xuất khẩu 42 tỷ USD, chiếm 37% thị phần). Ông Lê Quốc Ân tự tin, khi có TPP thì dệt may Việt Nam sẽ có khoảng cách gần hơn với Trung Quốc bởi mức thuế sẽ giảm về 0% theo lộ trình, và ngay khi TPP đi vào thực hiện thì mức thuế sẽ giảm ngay ít nhất 50%, lợi được hàng tỷ USD tiền thuế nên cạnh tranh rất tốt. Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm ăn với Hoa Kỳ các doanh nghiệp sẽ nhanh phát triển bởi các nhà nhập khẩu và bán lẻ nước này luôn muốn làm ăn trực tiếp với nhà sản xuất, không qua trung gian. Nhờ vậy, cách đây 15 năm doanh nghiệp Việt chủ yếu chỉ là gia công thì hiện nguyên liệu Việt Nam trong xuất khẩu chiếm được 50%. Đang xuất khẩu tôn, thép vào thị trường Hoa Kỳ, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen tự tin cho biết khi TPP được ký kết thì sản lượng xuất khẩu của Tôn Hoa sen vào Mỹ sẽ tăng gấp nhiều lần dù đây là thị trường có yêu cầu vô cùng khắt khe về chất lượng.

Với TPP, những cơ hội đang mở rất rộng nhưng đồng thời cũng có nhiều yêu cầu thách thức cần phải vượt qua. Theo ông Lương Văn Tự, nguyên đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thì các thách thức sẽ là chất lượng nguồn nhân lực, môi trường; quyền sở hữu trí tuệ; bên cạnh đó cạnh tranh gay gắt hơn bởi thuế xuất khẩu bằng 0% thì thuế nhập khẩu cũng bằng 0%... Vì vậy các doanh nghiệp cần được chuẩn bị thật đầy đủ năng lực cạnh tranh khi TPP đi vào thực hiện, dự kiến là trong năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Thương mại là lĩnh vực thành công nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.