Theo dõi Báo Hànộimới trên

2.976 ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

Hiền Thu| 17/10/2018 17:27

(HNMO) - Sáng 17-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều báo cáo.


Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, từ sau kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó có 365 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.611 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị; sự đổi mới hoạt động chất vấn, giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri và nhân dân kiến nghị của Quốc hội…

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn về một số vấn đề như: Nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn tiềm ẩn; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân…

Cho ý kiến tại phiên họp, nhìn chung, các đại biểu đánh giá cao kết quả đã đạt được. Một số ý kiến cho rằng, trong đánh giá chung cũng cần nêu về việc thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông chưa giảm; tội phạm ma túy, xâm hại trẻ em… còn diễn biến phức tạp để phản ánh rõ thực trạng xã hội.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung của các báo cáo. Tuy nhiên, để báo cáo đầy đủ hơn, cần bổ sung một số nội dung, đặc biệt chú trọng cân đối giữa mặt tốt và các mặt còn hạn chế, đánh giá đúng thực trạng.

Báo cáo của Ban Dân nguyện về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm của Quốc hội cho thấy, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri cũng còn nhiều hạn chế, trong đó nổi lên tình trạng trả lời chung chung dưới dạng cung cấp thông tin, trả lời không gắn với việc giải quyết. Cá biệt có nội dung trả lời chưa đúng, trả lời chậm, trả lời cho xong… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, đơn vị trong việc trả lời không đúng, không đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như làm rõ việc xem xét trả lời ý kiến, kiến nghị đã đến được với cử tri chưa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị MTTQ và Ban Dân nguyện tiếp thu toàn bộ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát lại các báo cáo cho đầy đủ hơn.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác nhân sự; về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

* Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh các văn bản, các tờ trình để trình ra Quốc hội, đồng thời, hoàn thiện các nghị quyết về nhân sự và nghị quyết về các đơn vị hành chính của tỉnh Bình Phước để trình ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương rà soát, hoàn tất các nội dung, nhất là các văn bản gửi Quốc hội, gửi đại biểu Quốc hội còn thiếu, chuẩn bị các điều kiện khác để bảo đảm cho ngày 22-10 khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
2.976 ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.