Nông nghiệp - Nông thôn

17 đội tham gia vòng sơ khảo Hội thi mít đặc sản Hà Nội

Ánh Dương 01/07/2024 - 13:03

Sáng 1-7, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức vòng sơ khảo Hội thi tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các giống mít đặc sản Hà Nội năm 2024.

img_20240701_113002.jpg
Ban tổ chức trao Cờ lưu niệm cho các đội tham gia hội thi. Ảnh: Ánh Dương

Hội thi có sự tham gia của 17 đội thi đến từ 7 huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Sóc Sơn (riêng thị xã Sơn Tây có 10 đội thi đến từ 9 xã, phường và Lữ đoàn 45).

Vòng sơ khảo có 2 nội dung: Chấm thi clip và chấm thi thuyết trình. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng tham quan một số di tích lịch sử và vườn mít trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

img_1719808146074_1719808187689(1).jpg
Ban tổ chức tham quan vườn mít ở xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Ánh Dương

Theo quy định, mỗi đội dự thi vòng sơ khảo có 5 thành viên tham gia. Cây mít dự thi phải là giống mít dai truyền thống (mít ta), tuổi cây từ 10 năm trở lên nếu là cây trồng bằng hạt, 8 năm trở lên đối với cây ghép và phải có ít nhất 3 năm cho quả liên tục, ổn định; cây sinh trưởng khỏe, xanh tốt, tán cây phát triển cân đối; năng suất đạt 150kg quả/cây, độ đồng đều về hình dạng, kích thước các quả trên cây hơn 70%.

Quả mít dự thi phải chín tự nhiên, có mùi thơm, không dùng thuốc để dấm gây chín ép, không có bất kỳ mùi vị lạ nào, gai quả đều, màu vỏ quả đẹp tự nhiên, không bị vẹo, không bị khuyết lõm, không bị sâu, không bị nứt.

Tại hội thi, Đội thi xã Phú Sơn (đơn vị đại diện của huyện Ba Vì) mang đến sản phẩm mít na, được trồng trên địa bàn xã từ hàng trăm năm qua.

Năm 2015, mít na Ba Vì được Trung tâm giống cây trồng và công nghệ nông nghiệp - Hội giống cây trồng Việt Nam chọn lựa nghiên cứu, tuyển chọn cây đầu dòng để khai thác mắt ghép, phục hồi, phát triển giống mít có chất lượng cao ở Hà Nội và các vùng phụ cận (theo dự án QSEAP của Bộ NN&PTNT). Kết quả, có 5 cá thể mít na của huyện Ba Vì được Sở NN&PTNT Hà Nội công nhận là cây đầu dòng.

20240701_105256.jpg
Các đội thi mời khán giả thưởng thức múi mít. Ảnh: Ánh Dương

Đội thi Lữ đoàn 45 - Binh chủng Pháo binh (đóng quân trên địa bàn thị xã Sơn Tây) có diện tích trồng mít hơn 2ha và đang tiếp tục được mở rộng, gồm nhiều giống mít như: Mít ta dai, mít thái, mít mật… Trong đó chủ yếu là giống mít ta dai. Tuổi đời các cây mít được trồng trung bình từ 15 năm đến 79 năm. Mỗi cây, có từ 20-40 quả, trọng lượng từ 5-15kg/quả.

Mít được Lữ đoàn 45 thu hoạch, bảo quản, chế biến ra nhiều sản phẩm như thạch mít, xôi mít... sử dụng trong bữa ăn của bộ đội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, chiến sĩ...

20240701_113319.jpg
Đội xã Cổ Đông tham gia thi. Ảnh: Ánh Dương

Còn Đội thi xã Cổ Đông mang đến hội thi sản phẩm mít ta và mít na. Mít là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã với khoảng 30.000 cây, trồng trên diện tích 40ha. Mít Cổ Đông nổi tiếng thơm ngon, tiêu thụ tốt và chưa bao giờ phải "giải cứu". Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm từ mít. Cổ Đông phấn đấu xây dựng mít là sản phẩm OCOP của địa phương.

Kết thúc vòng thi sơ khảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh - Phó Trưởng ban tổ chức hội thi cho biết, các đội tiếp tục tham gia vòng thi chung khảo, được tổ chức ngày 5-7 với nội dung chấm trang trí, gian hàng và giới thiệu của các đội thi.

Trên cơ sở tổng điểm đánh giá từ các vòng thi, Ban tổ chức sẽ lựa chọn, trao thưởng cho các đội đoạt giải Đặc biệt, Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
17 đội tham gia vòng sơ khảo Hội thi mít đặc sản Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.