Bất động sản

168 dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc

Dạ Khánh 06/07/2023 - 20:18

Chiều 6-7, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 và đánh giá giữa nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2023.

nghi.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Xây dựng có tốc độ tăng trưởng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 42%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất một số vật liệu xây dựng chủ yếu giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, xi măng sản xuất dự kiến đạt 46 triệu tấn, giảm 5%; tiêu thụ đạt 45 triệu tấn, giảm 7%; gạch ốp lát sản xuất đạt khoảng 191 triệu mét vuông, giảm khoảng 10%; tiêu thụ khoảng 145 triệu mét vuông, giảm khoảng 17%; sứ vệ sinh sản xuất đạt gần 5,85 triệu sản phẩm, giảm khoảng 3%, tiêu thụ khoảng 5,2 triệu sản phẩm. Riêng kính xây dựng sản xuất đạt khoảng 103 triệu mét vuông, tăng khoảng 2%, tiêu thụ khoảng 79 triệu mét vuông...

Đặc biệt, về quản lý và phát triển thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng đảm trách đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn. Tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 108 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án bất động sản.

Bộ Xây dựng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Công điện, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản và các vấn đề về thể chế.

Bộ cũng phối hợp Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay việc hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hàng và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng đặt nhiệm vụ tập trung hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023).

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự thảo các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các thông tư trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản để bãi bỏ một số giấy tờ nhân thân theo Nghị quyết 101/NQ-CP của Chính phủ; Tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ. Tập trung đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Cùng với đó là tiếp tục rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp; Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; Thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
168 dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.