(HNM) - Ngày 21-9-1999, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) được thành lập - là Tổng Công ty 90 đầu tiên của TP Hà Nội.
Việc ra đời của Handico là sự gửi gắm, kỳ vọng của thành phố về việc tập trung xây dựng một tổ chức kinh tế có quy mô lớn, chính quy nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong lĩnh vực xây dựng, phát triển nhà ở và các khu đô thị của Thủ đô. 15 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều bước thăng trầm, Handico đã ngày càng khẳng định được vai trò là một trong những doanh nghiệp đầu đàn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thay đổi diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Phối cảnh Khu đô thị mới Bắc Thăng Long. |
Thời kỳ đầu thành lập trên cơ sở hợp nhất từ 17 đơn vị thuộc các Sở: Xây dựng, Địa chính - nhà đất, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp các Công ty lương thực, một số công ty phát triển nhà các quận, huyện. Những năm tiếp theo, Handico không ngừng mở rộng quy mô tổ chức, tiếp nhận thêm nhiều đơn vị thành viên từ các sở, ngành, một số địa phương và tham gia thành lập các công ty liên doanh có vốn góp nước ngoài để triển khai các dự án quy mô lớn. Đối mặt với rất nhiều thách thức từ mô hình tổ chức hoạt động còn mới mẻ, xuất phát điểm thấp về tài chính, năng lực sản xuất - kinh doanh (SXKD) còn hạn chế, sự khác biệt của đội ngũ lao động, tư duy quản trị doanh nghiệp… Handico đã chủ động sắp xếp, ổn định tổ chức và tập trung triển khai các nhiệm vụ SXKD của đơn vị. Từ đây, nhiều khu tái định cư, KĐTM đã được hiện diện trên địa bàn thành phố như: KĐTM Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Trung Yên, Cầu Diễn... các dự án thuộc quỹ đất 20% của các khu đô thị như dự án Sài Đồng, Nam Đại Cồ Việt, khu Hồ Phúc Xá I, Đại Kim - Định Công, Mễ Trì Hạ… góp phần quan trọng trong việc tạo quỹ nhà di dân tái định cư của thành phố, cải thiện chỗ ở cho hàng vạn người dân Thủ đô. Đặc biệt, Handico được thành phố giao thực hiện nhiều công trình xây dựng quan trọng đối với Thủ đô như tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân kịp thời phục vụ SEA Games 22; làng sinh viên Hacinco bảo đảm phục vụ tốt chỗ ăn ở cho hàng nghìn sinh viên, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại an toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên…
Handico đã cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa theo Nghị quyết TƯ3 và TƯ9 (khóa IX), tạo đà để huy động, thu hút thêm nguồn lực, góp phần nâng cao năng lực SXKD. Từ cuối năm 2007, Handico hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Xuất phát từ việc nhìn nhận thực tế, đánh giá đúng tiềm năng và lợi thế, tập thể lãnh đạo tổng công ty đã đổi mới phong cách điều hành quản lý, tập trung gây dựng, củng cố uy tín và thương hiệu của tổng công ty. Quy mô của Handico không ngừng phát triển với hơn 20.000 lao động làm việc tại 66 đầu mối trực thuộc trên địa bàn cả nước. Năng lực tài chính được nâng từ số vốn điều lệ ban đầu là 347 tỷ đồng lên 1.900 tỷ đồng. Chiến lược phát triển được định hình, theo đó Handico giữ vai trò đầu tàu, định hướng, hỗ trợ các đơn vị thành viên về công nghệ, vốn, thị trường và thương hiệu. Từ năm 2008, công ty mẹ đã đẩy nhanh tốc độ phát triển và trực tiếp tham gia làm chủ đầu tư các dự án quy mô lớn, như khu nhà ở A10-A14 Nam Trung Yên, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (theo hình thức BT), Tổ hợp văn phòng và kinh doanh thương mại - HANDICO Tower 33 tầng, Khu đô thị sinh thái Vinh Tân 77ha... và đặc biệt là cụm 11 công trình được gắn biển Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã trở thành điểm nhấn, góp phần cải tạo cảnh quan, bộ mặt đô thị văn minh hiện đại cho Thủ đô.
Sau 15 năm xây dựng, phát triển, Handico đã đầu tư, xây dựng trên địa bàn thành phố và cả nước 10 triệu mét vuông sàn nhà ở, trở thành đơn vị đứng đầu thành phố và là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về quỹ nhà phục vụ di dân tái định cư, GPMB với khoảng gần 1,5 triệu mét vuông sàn nhà ở tương ứng với hơn 10.000 căn hộ. Giữa những khó khăn của thị trường bất động sản, tiếp tục chung tay gánh vác cùng thành phố trong việc phát triển nhà và đô thị, những năm gần đây, Handico cũng chủ động tham gia đầu tư xây dựng, tạo các quỹ nhà cho người thu nhập thấp, với các dự án Cầu Diễn, Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Sài Đồng (Long Biên); nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tại xã Kim Chung (Đông Anh), tham gia cải tạo các chung cư cũ như khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ…
Không chỉ xây dựng một Handico năng động, phát triển bền vững; với chủ trương xây dựng một Handico đoàn kết, nhân văn, trách nhiệm với cộng đồng, từ khi thành lập đến nay, tổng công ty luôn tích cực quyên góp, hỗ trợ các hoạt động xã hội từ thiện, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" của thành phố, đồng bào bị thiên tai lũ lụt và các hoạt động từ thiện - xã hội khác với giá trị hàng tỷ đồng mỗi năm. Triển khai chương trình "200 Mái ấm Handico" với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, đã xây dựng được gần 100 căn nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại các quận, huyện thuộc TP Hà Nội... Đặc biệt, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", từ năm 2011đến năm 2014, Handico đã tài trợ kinh phí, trực tiếp thi công nhiều công trình tại một số tỉnh, thành phố, như "Mái che hiện vật ngoài trời Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ" với tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng; Trường mầm non Quán Lào, huyện Yên Định (Thanh Hóa) với giá trị 6,2 tỷ đồng...
Thành quả 15 năm xây dựng, phát triển của Handico là kết quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng tổng công ty với việc bám sát, vận dụng linh hoạt 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá của Thành ủy. Đội ngũ lãnh đạo tổng công ty đã phát huy sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý điều hành, chủ động đổi mới, tạo bước đột phá. Là văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc Handico đã được các thế hệ CBCNVLĐ dày công xây dựng... 15 năm đồng hành cùng Thủ đô đổi mới, không ngừng xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng tổng công ty phát triển, năng động và hiệu quả, Handico đang có những bước đi vững chắc nhằm khẳng định mục tiêu chiến lược đề ra của mình trong tương lai.
15 năm qua, các chỉ tiêu SXKD đã khẳng định sự phát triển mạnh của tổng công ty: Từ năm 2003 đến năm 2008, trung bình mỗi năm tổng sản lượng đạt từ 3.000 tỷ đến hơn 4.000 tỷ đồng (tăng 600% - 800% so với năm 2000); tổng doanh thu đạt từ 2.000 đến 2.900 tỷ đồng, nộp NSNN đạt 90 đến hơn 200 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 50 đến 103 tỷ đồng. Từ năm 2009 đến năm 2013, giá trị sản lượng tăng từ 4.915,5 đến 7.212,7 tỷ (tăng 147% so với năm 2009); doanh thu tăng từ 3.503,8 đến 6.171,6 tỷ (tăng 176% so với năm 2009); nộp NSNN từ 172,8 đến 461,4 tỷ (tăng 267% so với năm 2009); lợi nhuận từ 215,4 đến 446,9 tỷ (tăng 207% so với năm 2009). Năm 2014 dự kiến giá trị sản lượng đạt 7.850 tỷ đồng, doanh thu đạt 6.680 tỷ đồng, nộp NSNN 500 tỷ đồng, lợi nhuận 485 tỷ đồng. 15 năm xây dựng và phát triển, Handico đã được tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen và cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội; đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010) và Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2014). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.