Theo dõi Báo Hànộimới trên

14 nước Châu Âu ký hiệp định chống buôn lậu nội tạng người

Nguyễn Oanh| 26/03/2015 10:41

(HNMO) - 14 nước châu Âu đã đi tiên phong trong việc ký kết một hiệp định quốc tế đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực chống buôn lậu nội tạng người tại Hội nghị quốc tế chống buôn bán nội tạng người, bắt đầu ngày 25-3 tại thành phố Santiago de Compostela của Tây Ban Nha.

Theo dự luật của Hội đồng châu Âu, mọi hành vi lấy nội tạng khỏi cơ thể con người, khi còn sống cũng như khi đã chết mà không có sự cho phép của người đó, đều là bất hợp pháp.

Dự luật cũng cấm kinh doanh từ hoạt động cấy ghép nội tạng.



Tham gia ký vào dự luật của Hội đồng châu Âu (The Council of Europe) này gồm các quốc gia: Albania, Áo, Bỉ, Anh, CH Czech, Hy Lạp, Italia, Luxembourg, Na Uy, Moldavia, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký Hội đồng Châu Âu, Thorbjoern Jagland phát biểu tại hội nghị: “ Buôn bán nội tạng người đang là một vấn nạn nhức nhối của toàn thế giới. Dự luật này một khi được các nước ký kết thông qua, sẽ bảo vệ được các nạn nhân của nạn buôn lậu nội tạng người, các nạn nhân có quyền đòi đền bù; đồng thời tập trung vào nỗ lực minh bạch hóa ngành ghép tạng, đảm bảo sự tiếp cận công bằng với dịch vụ này cho tất cả mọi người.”

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng có khoảng 10.000 ca cấy ghép tạng được buôn bán từ thị trường chợ đen mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1 trái tim có thể được bán với giá khoảng 1,5 triệu USD trên thị trường chợ đen, tuyến tụy hoặc gan có giá gần 750.000 USD, 1 quả thận mua của nạn nhân chỉ với giá hơn 18.500 USD song được bán với giá tới khoảng 125.000 USD trên thị trường chợ đen.

Theo Hội đồng Châu Âu, đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm ngăn ngừa và đấu tranh chống nạn buôn bán nội tạng con người.

Hội đồng châu Âu hy vọng dự luật ký ngày 25-3 sẽ tạo hành lang pháp lý để cảnh sát châu Âu truy bắt các băng nhóm mafia xuyên quốc gia tham gia vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp nội tạng người. Hội đồng châu Âu cho biết cũng có thể áp dụng dự luật mới đối với các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) nếu các nước đó sẵn sàng tham gia ký kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
14 nước Châu Âu ký hiệp định chống buôn lậu nội tạng người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.