22h10 ngày 4/9, ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM được hoàn tất sau gần 13 tiếng phẫu thuật do gặp một số trở ngại.
Bệnh nhi là bé gái 1 tuổi, bị teo đường mật bẩm sinh. Bé được chẩn đoán xơ gan giai đoạn cuối kèm biến chứng nhiễm trùng đường mật, viêm phổi và suy dinh dưỡng. Ghép gan là cách duy nhất để bé tiếp tục tồn tại.
Ca phẫu thuật kéo dài thêm 2 giờ do động mạch bị tắc sau khi hoàn tất. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Sau nhiều lần làm các kiểm tra, xét nghiệm, mẹ của bé (29 tuổi, ngụ TP HCM) là người có gan phù hợp để hiến gan. Mất thêm nhiều tháng chuẩn bị, việc phẫu thuật được tiến hành sáng 4/9.
Hai mẹ con cùng được đưa vào phòng mổ lúc 7h, đến 9h việc lấy gan mẹ bắt đầu. Song song đó, các bác sĩ cũng gây mê cho bé và cắt bỏ hoàn toàn gan bị xơ hóa. 5 tiếng sau, phần gan khoảng 400 gram của mẹ được cắt thành công và lập tức được ghép cho bé. Đến 18h30 việc ghép mới gan hoàn tất, các bác sĩ đóng ổ bụng cho bệnh nhi.
Tuy nhiên, khi kiểm tra các chức năng gan và mạch máu lại cho thấy động mạch gan bị tắc do chèn ép. Trước tình trạng trên, các bác sĩ đã mở ổ bụng để giải phóng chèn ép mạch máu. Việc chỉnh sửa kết thúc lúc 22h10.
Với gần 13 giờ phẫu thuật, đây được xem là ca ghép gan có thời gian phẫu thuật dài nhất so với 7 ca từng được ghép tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Có 30 bác sĩ tham gia ca mổ là người của Nhi Đồng 2, ĐH Y dược TP HCM và hai bác sĩ quốc tịch Bỉ.
"Hiện sức khỏe của người cho gan và nhận gan đều ổn định. Mẹ sẽ phải nằm theo dõi khoảng một tuần. Bé được theo dõi chặt chẽ trong 3 tháng sau ghép", bác sĩ Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết. Chi phí ghép được bảo hiểm chi trả.
Tỷ lệ teo đường mật bẩm sinh khoảng 1/5.000, các bé cần phải được phẫu thuật điều trị, nhiều trường hợp chỉ định ghép gan các bé mới có thể sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.