(HNMO) - Ngày 24-5, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin về việc vẫn triển khai các ca ghép gan cho trẻ em theo chỉ định trong quá trình xây dựng lại Đề án ghép tạng trẻ em để trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua.
Trước những thông tin báo chí nêu về việc các ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 bị gián đoạn vài tháng qua, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin chi tiết về vấn đề này. Theo đó, việc ghép gan cho trẻ bị gián đoạn chủ yếu do thiếu nguồn gan hiến.
Sở Y tế thành phố yêu cầu Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục tiến hành các ca ghép gan như vẫn làm hơn 10 năm qua ngay từ tháng 6-2023. Những ca ghép này sẽ có sự trợ giúp nguồn gan hiến và các chuyên gia từ các Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy, không để gián đoạn việc ghép gan cho các ca có chỉ định.
Cùng với đó, về tăng nguồn cung tạng, Sở Y tế thành phố đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy định tại điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để tạo điều kiện có thêm nguồn hiến tạng từ người cho là trẻ em chết não. Theo quy định hiện hành, chỉ có người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, đối tượng trẻ em chết não hiện không được đưa vào nguồn hiến tạng.
Sở Y tế thành phố cũng giao Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục hoàn thành xây dựng lại Đề án ghép tạng trẻ em để trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua theo đúng quy định. Đề án này nhằm hoàn thiện, bổ sung quy trình, quy định về công tác ghép tạng cho trẻ em, vốn đã được ngành Y tế thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 triển khai từ năm 2005 đến nay, đạt thành công ngoài mong đợi.
Cụ thể, ca ghép gan đầu tiên ở trẻ em được Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện thành công từ cuối năm 2005. Từ đó đến năm 2019, bệnh viện đã ghép thành công 13 ca. Từ năm 2020 đến nay, bệnh viện đã ghép thành công thêm 12 ca.
Song hành với thành công này, có sự đóng góp rất lớn của Giáo sư Bernard Otte (người Bỉ) - chuyên gia hàng đầu về ghép gan trẻ em tại châu Âu với kỹ thuật làm nhỏ gan người lớn chết não để ghép cho trẻ em. Phía Bỉ cũng đã trợ giúp đào tạo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 về chuyên môn ghép gan này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.