(HNM) - Đã 11 năm, vụ khiếu kiện của 50 hộ dân bị thu hồi đất tại khu vực ao Thước Thợ (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) vẫn chưa đi tới hồi kết. Trong khi dự án xây dựng Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi quận Đống Đa vẫn bị
Trong số 14 vụ khiếu kiện tồn đọng, kéo dài trên địa bàn thành phố mà Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội kết luận thì vụ khiếu kiện của 50 hộ dân bị thu hồi đất tại khu vực ao Thước Thợ đứng ở vị trí số 1. Đây là trường hợp điển hình về hệ lụy của dự án "treo", quy hoạch "treo"...
Khu đất ao Thước Thợ thu hồi của 50 hộ dân để xây dựng Công viên Đống Đa, nay chuẩn bị xây Trường Mầm non Trung Liệt. |
Ngày 26-10-2001, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 6358/QĐ-UB về việc thu hồi 70.925m2 đất tại 3 phường: Láng Hạ, Trung Liệt (quận Đống Đa) và Thành Công (quận Ba Đình), giao cho Ban Quản lý dự án quận Đống Đa xây dựng Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi quận Đống Đa giai đoạn 1. Thực hiện Quyết định của UBND thành phố, ngày 5-12-2001, UBND quận Đống Đa ra Quyết định 1604/QĐ-UB về việc thành lập Hội đồng GPMB và tiến hành khảo sát, lập phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người sử dụng đất bị thu hồi trên địa bàn. Theo phương án, phường Trung Liệt có diện tích thu hồi lớn nhất lên tới 48.992m2, nhưng phần lớn đất không có nguồn gốc rõ ràng. Người dân không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất hợp pháp nhưng đa số đã ăn ở ổn định trên diện tích đó trước thời điểm năm 1993. Khi ấy, khu vực này người ta thường gọi là "xóm liều bãi rác Thành Công". Chính vì khó để xác định nguồn gốc đất và cơ chế hỗ trợ bồi thường nên công tác GPMB tại đây gặp vô vàn khó khăn. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối năm 2001, UBND quận Đống Đa tiến hành cưỡng chế giải tỏa 50 hộ dân tại khu vực ao Thước Thợ, thu hồi 2.328m2 đất nằm trong mốc giới thực hiện dự án. Từ đây khiếu kiện phát sinh và ngày càng gay gắt. Người dân đặt câu hỏi, tại sao cùng là đất không có nguồn gốc mà UBND quận Đống Đa chỉ cưỡng chế giải tỏa khu vực ao Thước Thợ với diện tích cực kỳ khiêm tốn? Thứ nữa, 50 hộ dân này đều thuộc diện cực nghèo, không có nơi ăn chốn ở nào khác. Vì bị coi là đất lấn chiếm nên người dân chỉ được hỗ trợ di chuyển, mỗi hộ khoảng từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Sau khi cưỡng chế giải tỏa thành công, UBND quận Đống Đa cho lập hàng rào bao quanh khu đất. Vì không còn chỗ ở, 50 hộ gia đình đi thuê trọ mỗi người một nơi nhưng vẫn thường xuyên có mối liên lạc với nhau và tiếp tục khiếu kiện. Để giải quyết bức xúc về chỗ ở, UBND quận Đống Đa sắp xếp, giới thiệu địa điểm nhà cho thuê của UBND thành phố tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh. Tuy nhiên, khi các hộ dân sang đến nơi thấy thất vọng vì khu nhà này được xây dựng theo tiêu chí "ba không ": không điện, không nước, không nhà vệ sinh. Tại đó, hai hộ gia đình được bố trí trong một căn hộ hơn 20m2 và có một lối đi chung.
Ông Nguyễn Văn Nam, một hộ dân tại đây cho biết: Sau 7 năm miệt mài "gõ cửa" các ban, ngành chức năng, tháng 1-2008, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Đống Đa phối hợp với Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị tổ chức bán nhà chung cư cho 50 hộ dân, giá mỗi căn hộ tại thời điểm đó là 400 triệu đồng, nộp một lần vào cuối tháng 1-2008. Chúng tôi đều là dân lao động nghèo khó, ăn chả đủ, nói gì đến chuyện bỏ ra một lúc 400 triệu đồng để mua nhà. Vì không có tiền, lại sợ mất suất, tất thảy chúng tôi phải bán "lúa non", chỉ có hai gia đình đủ tiền mua căn hộ để ở. Nói thật, mỗi suất bán "lúa non", chúng tôi được lãi trăm triệu nhưng rồi ăn tiêu đi thuê nhà trọ cũng hết...".
Bà Đặng Thị Nhã, một trong số 50 hộ dân bị thu hồi đất nói giọng ấm ức, so bì: Dự án này có tới gần 1.000 hộ dân cần giải tỏa, vậy tại sao chỉ có 50 hộ chúng tôi phải gánh chịu. Cùng là đất không giấy tờ như nhau, người khác được xây nhà cao cửa rộng tới 3-4 tầng, còn chúng tôi lại tay trắng không tấc đất cắm dùi?".
Xuất phát từ chỗ cho rằng quyền lợi chưa được giải quyết thỏa đáng, 50 hộ dân tại đây vẫn tiếp tục khiếu kiện trong suốt 11 năm qua, gây bức xúc dư luận. Ngày 14-6-2012, Vụ Theo dõi khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng (Văn phòng Chính phủ) đã có công văn số 4332/VPCP-KNTC gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị xem xét giải quyết dứt điểm khiếu nại của 50 hộ dân phường Trung Liệt. Chỉ sau ít ngày, Thanh tra Chính phủ cũng có Kế hoạch số 1130/KH-TTCP nêu 14 vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài trên địa bàn Hà Nội. Ngày 15-8-2012, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 6293/UBND-NC về việc xử lý các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện kiểm tra, xem xét và có biện pháp xử lý dứt điểm. Trong số 14 vụ phức tạp này, khiếu kiện của 50 hộ dân bị giải tỏa khu vực ao Thước Thợ thuộc phường Trung Liệt (quận Đống Đa) đứng vị trí số 1.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thao Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt cho biết, việc khiếu kiện của 50 hộ dân ngày càng "nóng" hơn khi UBND thành phố có quyết định đầu tư xây dựng Trường Mầm non Trung Liệt tại khu đất ao Thước Thợ mà trước đây đã thu hồi để thực hiện dự án xây dựng Công viên Đống Đa. Cụ thể, ngày 27-12-2011, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 6016/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ một phần đất nằm trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 - Công viên Đống Đa để đầu tư xây dựng Trường Mầm non Trung Liệt. Ngày 11-4-2012, UBND thành phố lại có Quyết định số 1508/QĐ-UBND cho phép UBND quận Đống Đa chuyển đổi mục đích sử dụng 2.328m2 đất tại ao Thước Thợ để xây dựng Trường Mầm non Trung Liệt. Tiếp đến ngày 19-3-2012, UBND quận Đống Đa có Quyết định 897/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường Mầm non Trung Liệt. Theo thiết kế, trường mầm non được xây dựng trên thửa đất ao Thước Thợ mà trước kia thu hồi của 50 hộ dân, gồm 12 phòng học và các phòng chức năng, kinh phí đầu tư xấp xỉ 48 tỷ đồng, do Ban QLDA quận Đống Đa làm chủ đầu tư. Giữa tháng 8-2012, khi chủ đầu tư đưa thợ đến khoan thăm dò, cắm biển tên dự án công trình thì 50 hộ dân lại tiếp tục khiếu kiện gay gắt. Các hộ này đồng tình với chủ trương xây dựng trường mầm non, tuy nhiên không nhất trí với việc thu hồi đất trước kia vì hai dự án hoàn toàn khác nhau. Họ cho rằng không có dự án xây dựng Công viên Đống Đa thì họ không bị thu hồi đất.
Cũng theo ông Hùng, các ngành chức năng cần nhanh chóng xem xét và đưa ra quyết định về việc xây dựng Công viên Đống Đa vì dự án cũng "treo" lâu lắm rồi. Theo thống kê của Công an phường Trung Liệt, đất để thực hiện dự án Công viên Đống Đa hiện đã có khoảng 800 nóc nhà với 529 hộ dân, 2.650 nhân khẩu. Trước năm 2007, người dân sống trong vùng quy hoạch treo này khổ lắm, không điện, không nước, muốn xin xác nhận chứng sinh, chứng tử gì cũng không được chấp nhận, nay những an sinh tối thiểu của người dân đã được đáp ứng. Việc khiếu kiện còn lại chỉ tập trung vào 50 hộ dân bị giải tỏa vào năm 2001. Cách đây ít ngày, UBND quận Đống Đa đã mời các hộ dân đến nghe thông báo về dự án xây dựng Trường Mầm non Trung Liệt. Dù chưa biết kết quả ra sao nhưng việc khiếu kiện của người dân đã giảm "nóng" so với trước.
Trao đổi với lãnh đạo UBND quận Đống Đa, chúng tôi được biết Ban QLDA quận đã chuyển toàn bộ hồ sơ việc khiếu kiện của 50 hộ dân cho Thanh tra quận tiếp tục xem xét, có đề xuất, giải quyết sớm và dứt điểm vụ khiếu kiện phức tạp này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.