Theo dõi Báo Hànộimới trên

102 cơ sở thực phẩm bị đình chỉ qua hậu kiểm

Thu Trang| 30/12/2022 20:15

(HNMO) - Theo báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Công an, trong năm 2022 đã tiến hành hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với 381.108 cơ sở, qua đó xử lý 233.22 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt 157,267 tỷ đồng. Ngoài ra, đình chỉ hoạt động 102 cơ sở, 1.023 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm, tiêu hủy 5.132 loại thực phẩm do không bảo đảm chất lượng và khởi tố 23 vụ/21 bị can.

Hà Nội tăng cường hoạt động hậu kiểm an toàn thực phẩm trong năm 2022.

Chiều 30-12, theo tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, trong năm 2022 hoạt động hậu kiểm về an toàn thực phẩm được triển khai từ trung ương đến địa phương. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đồng thời công khai trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Công an, trong năm 2022 đã hậu kiểm 381.108 cơ sở, đã xử lý 233.22 cơ sở với tổng số tiền phạt 157,267 tỷ đồng; trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng. Ngoài ra, đình chỉ hoạt động 102 cơ sở, 1.023 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm, tiêu hủy 5.132 loại thực phẩm do không bảo đảm chất lượng (như: Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...), khởi tố 23 vụ/21 bị can. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023.

Theo kế hoạch này, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu, công tác hậu kiểm phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố, đăng ký bản công bố, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát an toàn phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm cũng yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài; trên internet và môi trường mạng. Đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc các nhóm sản phẩm hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân…

“Các hoạt động hậu kiểm phải được thực hiện thường xuyên, qua đó xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Ngoài ra, công tác hậu kiểm phải bảo đảm phù hợp tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật. Tránh chồng chéo trong hoạt động hậu kiểm. Tiến hành hậu kiểm không cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra”, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
102 cơ sở thực phẩm bị đình chỉ qua hậu kiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.