Chỉ trong vòng 10 tháng của năm 2014, đã có hơn 9.000 văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến, trái luật được các bộ ngành, cơ quan địa phương kiểm tra phát hiện.
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường: ”Sai luật thì phải tuýt còi” - Ảnh: T.L |
Văn bản trái pháp luật vẫn gia tăng, nợ đọng văn bản có dấu hiệu quay trở lại, nhiều thủ tục hành chính rườm rà gây tốn kém cho người dân… là những vấn đề được các đại biểu thẳng thắn nêu ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 15-1.
10 tháng: hơn 9.000 văn bản vi phạm
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy trong năm 2014, số lượng văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật vẫn gia tăng.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, các Bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra và phát hiện 9.017 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản (chiếm tỷ lệ 22%). Trong số đó có hơn 1.500 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản.
Năm 2014, Bộ Tư pháp cũng đã phát hiện 885 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp.
|
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, một số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật chưa được phát hiện kịp thời, có trường hợp các cơ quan không phát hiện được mà do báo chí phát hiện, nêu vấn đề trước.
Ông Đinh Trung Tụng cho rằng công tác tự kiểm tra của tổ chức pháp chế còn chưa thực sự hiệu quả. Việc rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất VBQPPL còn mang tính hình thức, vẫn còn có sự dè dặt, nể nang trong kiểm tra, xử lý văn bản vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thẳng thắn nói: “Hiện nay chưa có cơ chế tiền kiểm hiệu quả đối với thông tư, thông tư liên tịch. Nếu không có đóng góp của nhân dân, không có sự đóng góp của cán bộ địa phương thì vẫn còn tình trạng pháp luật trên trời”.
Sai luật phải tuýt còi
Thừa nhận những gì ngành tư pháp đạt được trong năm qua chưa xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết nhiều quy định của Hiến Pháp trong luật chưa được hiểu một cách thống nhất, có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài trong hệ thống pháp luật.
Chất lượng văn bản QPPL nhất là các thông tư và thông tư liên tịch còn bị báo chí phản ánh sai nhiều, nợ đọng văn bản vẫn còn. Nếu không tập trung quyết liệt thì tới đây tình hình nợ đọng văn bản sẽ quay trở lại.
"Như chủ tịch Quốc Hội đã nói, nợ đọng nhiều thứ mà nợ đọng văn bản còn nguy hiểm hơn so với các thứ nợ khác” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng thừa nhận hiện nay thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn tốn kém cho người dân.
Bộ trưởng quyết liệt: "Tôi chỉ nhắc chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý. Hơn ai hết, người làm công tác tư pháp phải tham mưu cho địa phương, bộ ngành thực hiện đúng pháp luật. Luật ban hành đúng, phải thực hiện đúng luật, sai luật thì nhất định phải thổi còi”.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý năm 2015, ngành Tư pháp cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong triển khai thi hành Hiến pháp, tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản cho phù hợp với Hiến pháp.
Chưa có cơ chế cho người thi hành án tù kết hôn Trước ý kiến của một số địa phương về quyền kết hôn của người đang thi hành án phạt tù và các tử tù chờ thi hành án, ông Nguyễn Công Khanh Cục trưởng Cục Hộ tịch quốc tịch và chứng thực Bộ Tư pháp cho biết quy định hiện không cấm người thi hành án tù và chuẩn bị thi hành tử hình được kết hôn. Tuy nhiên, những người bị giam, giữ thực hiện quyền kết hôn vẫn rất khó khăn. "Chúng tôi đã có văn bản trao đổi nhưng Bộ Công an trả lời hiện chưa có cơ chế trích xuất cho người đang thi hành án phạt tù được ra ngoài đăng ký kết hôn. Chúng tôi ghi nhận và sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ tư pháp để bàn phương án tháo gỡ", ông Khanh nói. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.