1. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1 đến ngày 10-10 với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như: “Đêm Hồ Gươm lung linh”, đêm hội “Thăng Long - Hà Nội thành phố Rồng bay”… thu hút hàng triệu lượt người xem. Đặc biệt, lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử với hơn 4 vạn người tham gia tại Quảng trường Ba Đình đã để lại nhiều xúc cảm trong mỗi người dân đất Việt cũng như bạn bè quốc tế. Nhiều công trình văn hóa được khánh thành, đưa vào hoạt động trong dịp Đại lễ như: Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, Tượng đài Thánh Gióng, Bảo tàng Hà Nội, Rạp hát Công Nhân, Trung tâm Văn hóa Kim Đồng… bước đầu phát huy hiệu quả.
2. Ba di sản văn hóa của Hà Nội được UNESCO vinh danh
Đó là 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành Di sản Tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO vào ngày 9-3. Tiếp đó, ngày 1-8, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa thế giới. Không lâu sau, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc lại được xướng tên trên diễn đàn UNESCO vào ngày 16-11. Việc ba di sản của Hà Nội trở thành di sản văn hóa thế giới trong năm 2010 tạo nên một dấu mốc lịch sử của UNESCO, bởi trong hơn 60 năm hoạt động, chưa từng có một địa phương của một quốc gia nào có cả 3 thể loại di sản được UNESCO công nhận trong cùng một năm.
3. GS Ngô Bảo Châu được trao Huy chương Fields
Ngày 19-8-2010, Liên đoàn Toán học thế giới đã trao Huy chương Fields, được ví như “Nobel toán học” cho GS Ngô Bảo Châu. Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở châu Á có nhà khoa học đoạt giải này. Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, là học sinh Việt Nam đầu tiên hai lần đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, học đại học tại Université de Paris VI, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1997 tại Université de Paris XI, năm 2003 hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11. Đầu năm sau anh trở thành giáo sư của đại học này. Từ ngày 1-9-2010, anh trở thành giáo sư của Đại học Chicago, Mỹ.
4. Hoàn thành “Bách khoa thư” mới về Hà Nội
Ngày 2-10-2010, UBND thành phố, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã công bố kết quả nghiên cứu của Chương trình khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu, phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử, văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” (KX 09). Đây là chương trình nghiên cứu khoa học lớn nhất về Thăng Long - Hà Nội từ trước đến nay, giải quyết một cách toàn diện những vấn đề cơ bản liên quan đến đời sống Thăng Long - Hà Nội qua mười thế kỷ, xác định những tiềm lực tích hợp từ truyền thống, ngưng đọng trong hiện tại, đề xuất quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm phát huy hiệu quả tiềm lực đó phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô.
5. Thực hiện thành công ghép gan, ghép thận từ người cho chết não
Lần đầu tiên, các bác sĩ của Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội nhờ kỹ thuật này, 7 bệnh nhân bị suy gan, suy thận nặng đã được hồi sinh. Nước ta hiện có khoảng 23.000 người có nhu cầu ghép gan nhưng nguồn gan không có. Khác với các nước phát triển, 90% nguồn tạng cung cấp từ người chết não, thì Việt Nam nguồn tạng chủ yếu là người thân hiến tặng, trong khi mỗi năm riêng Bệnh viện Việt - Đức ghi nhận 1.300 bệnh nhân bị chết não do tai nạn giao thông.
6. Nhiều đề án, dự án lớn về giáo dục - đào tạo được triển khai
Tiêu biểu như đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đến năm 2015 với tổng kinh phí 14.600 tỷ đồng; đề án phát triển trường chuyên đến 2015 với kinh phí 2.300 tỷ đồng; đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020 là 9.738 tỷ đồng; đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục giai đoạn 2009-2010, theo đó bắt đầu từ năm học 2010-2011, hệ thống các trường giáo dục nghề nghiệp và CĐ, ĐH trên toàn quốc điều chỉnh học phí theo khung mới.
7. Năm 2010 là năm ghi nhận 20 năm Việt Nam đương đầu với đại dịch HIV/AIDS
Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP Hồ Chí Minh, tính đến nay cả nước có 180.312 người nhiễm HIV. Về cơ bản, Việt Nam đã khống chế được tỷ lệ hiện nhiễm HIV dưới mức 0,3% trong cộng đồng dân cư và được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về công tác phòng, chống đại dịch này.
8. Đoàn TTVN dự ASIAD 16 - Quảng Châu không thể hoàn thành chỉ tiêu
Giành 4-6 HCV, nằm trong nhóm 15 quốc gia dẫn đầu Á vận hội. Dù Đoàn TTVN giành được 33 huy chương nhưng do chỉ đoạt duy nhất 1 HCV nên chỉ được xếp vị trí 24 trên bảng tổng sắp. Nhưng cũng chính tại ASIAD 16, TTVN lại ghi nhận sự xuất sắc tuyệt vời của một môn thể thao Olympic cơ bản: điền kinh. Không chỉ lần đầu ghi danh tại đấu trường Đại hội Thể thao cấp châu lục, các VĐV điền kinh Việt Nam đã thực sự xuất sắc khi giành tới 3 HCB, 2 HCĐ. TTVN đã đặt ra một chiến lược thể thao mới với mục tiêu đạt vị trí 12-14 trong bảng xếp hạng của châu lục.
9. Du lịch Việt Nam đạt kỷ lục tăng trưởng
Lượng khách quốc tế đạt trên 1,2 triệu lượt khách/năm. Đây cũng là năm đánh dấu mốc sau 20 năm, ngành du lịch đã đạt được lượng khách quốc tế mỗi tháng ở mức cao, khoảng 420.000 lượt. Gần như không có mùa thấp điểm, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực ASEAN, tiếp tục duy trì được hình ảnh một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện. Góp vào thành công chung này là Năm Du lịch quốc gia 2010 được tổ chức tại Hà Nội với khoảng 1,2 triệu lượt khách quốc tế và 10,6 triệu lượt khách nội địa.
10. Báo động về đạo đức trong học đường
Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau quay clip phát tán trên mạng; những hành vi lệch lạc của một số giáo viên trong mối quan hệ với học sinh xuất hiện ngày càng nhiều. Việc tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật đã không chỉ được coi là nhiệm vụ của riêng ngành
GD-ĐT, mà là của nhiều lực lượng xã hội. Với đặc thù riêng, Hà Nội đã hoàn thành và chuẩn bị dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh” cho HS nhằm gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của người Hà Nội nói riêng và rèn đạo đức, trang bị kỹ năng sống cho HS nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.