Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 sự kiện nổi bật của đất nước năm 2011

Nhóm PV HàNộimới| 01/01/2012 06:41

1- Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng

Đại hội diễn ra từ ngày 12 đến 19-1-2011 tại Hà Nội, thông qua các văn kiện có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 175 ủy viên chính thức, 25 ủy viên dự khuyết, trong đó lần đầu tiên có 2 Ủy viên Trung ương Đảng trẻ nhất - 35 tuổi. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên, Ban Bí thư gồm 10 thành viên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

2- Bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016

Ngày 22-5-2011, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước để kiện toàn bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở, trong đó đã bầu chọn 500 đại biểu Quốc hội, là kỳ Quốc hội có nhiều doanh nhân nhất (38 người); 14 Ủy viên Bộ Chính trị đều trúng cử đại biểu Quốc hội giữ các chức vụ chủ chốt. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII đã xem xét về tổ chức nhân sự, bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước.

3- Tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng

Ngày 10-10-2011, tại diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ những định hướng, giải pháp chủ yếu mà cả hệ thống chính trị phải thực hiện nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tới, cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng: tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc DN nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

4- Nghị quyết 11/NQ-CP phát huy hiệu quả

Nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tháng 2-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, đề xuất những nhóm giải pháp cụ thể nhằm điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ theo hướng thắt chặt, linh hoạt, bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. Kết thúc năm 2011, nợ công và nợ quốc gia của Việt Nam nằm trong giới hạn an toàn. CPI được kiềm chế ở mức 18,58%. Tăng trưởng GDP năm 2011 đạt khoảng 5,89%, là mức tăng khá cao trong điều kiện phải tập trung thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô...

5- Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH thành phố Hà Nội

Tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1081/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát là xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, bảo đảm thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học - công nghệ, giao thương và kinh tế lớn của cả nước. Cũng trong tháng 7, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với 5 đô thị vệ tinh. Đặc biệt, 70% đất đô thị được dành cho không gian xanh.

6- Gần 7,4 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ tại Hà Nội cuối năm 2011, cộng đồng tài trợ quốc tế đã đưa ra cam kết sẽ cung cấp gần 7,4 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong năm 2012. Mức vốn ODA này được xem là khá cao, vượt cả mong đợi. Các nhà tài trợ truyền thống, giàu tiềm lực, như WB, ADB và Nhật Bản vẫn đứng đầu trong danh sách tài trợ cho Việt Nam năm 2012.

7- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96,3 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả nước năm 2011 đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với mức thực hiện của năm 2010. Đã có 14 nhóm/mặt hàng đạt KNXK hơn 2 tỷ USD. Xuất khẩu sang các thị trường truyền thống đều được duy trì và có mức tăng trưởng khá. Hàng Việt Nam tiếp tục khẳng định trên thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU. Mức nhập siêu năm 2011 là 9,5 tỷ USD, bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời là mức thấp nhất trong 5 năm qua.

8- Phát điện Tổ máy số 4 Nhà máy Thủy điện Sơn La

Phát điện Tổ máy số 4 Nhà máy Thủy điện Sơn La vào 15 giờ 25 phút ngày 19-12-2011, tích nước hồ chứa đến mực nước dâng bình thường là 215m; các thiết bị siêu trường siêu trọng phục vụ cho lắp đặt tổ máy 5 và 6 đã được chuyển về công trường; cơ bản hoàn thành phần xây dựng các hạng mục công trình chính. Nhiệm vụ của dự án trong năm 2012 là phát điện hai tổ máy còn lại trong tháng 4 và tháng 8 và khánh thành nhà máy cuối năm 2012. Việc phát điện, hòa lưới điện quốc gia Tổ máy số 4 sẽ nâng công suất cả bốn tổ máy đạt 1.600 MW, góp phần ổn định lưới điện và tiêu thụ điện năng dịp Tết Nhâm Thìn. Các tổ máy số 1, 2 và 3 vận hành ổn định với sản lượng điện cùng thời điểm phát điện tổ máy số 4 đạt 5 tỷ kWh.

9- Thành nhà Hồ và hát Xoan được công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc có một không hai do vua Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Tổng khối lượng đá sử dụng xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu. Hiện Thành nhà Hồ đã có ban quản lý riêng và đang được nghiên cứu, khảo sát để làm rõ hơn giá trị.

Sau Thành nhà Hồ, hát Xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh vào ngày 24-11-2011. Đây là di sản đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nhận được 100% số phiếu bầu của các đại biểu tham dự hội nghị Ủy ban Liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

10- Vịnh Hạ Long là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới


Ngày 11-11-2011, trên trang web của Tổ chức NewOpenWorld đã công bố Vịnh Hạ Long của Việt Nam là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Như vậy, Vịnh Hạ Long đã vượt qua hơn 400 kỳ quan từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, lọt vào danh sách 28 ứng viên để lựa chọn ra 7 kỳ quan. Vịnh Hạ Long có bờ biển dài 120km, rộng 1.553km2 với 1.969 hòn đảo nhỏ. Nơi đây có đến 200 loài cá và 450 loại động vật thân mềm. Hơn thế nữa, sự kiện này đã mang đến tầm ảnh hưởng rộng khắp cho điểm đến và hình ảnh đất nước, thu hút sự quan tâm của du khách trên toàn thế giới, đồng thời làm tăng thêm uy tín và vị thế của thương hiệu du lịch Việt Nam.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện nổi bật của đất nước năm 2011

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.