(HNMO) - Suy giảm miễn dịch là một bệnh khiếm khuyết về di truyền khiến cơ thể bệnh nhi không có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn.
Vì vậy, PGS.TS Lê Thị Minh Hương, trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ thường mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng hoặc tái phát nhiều đợt. Tùy theo bản chất loại suy giảm miễn dịch, bệnh nhân sẽ mắc những bệnh nhiễm trùng khác nhau.
Một bệnh nhi bị suy giảm miễm dịch được điều trị tại bệnh viện Nhi TW . Ảnh: Bệnh viện Nhi TW |
Suy giảm miễn dịch được chia thành 2 loại: dạng tiên phát bẩm sinh (do gen) và dạng thứ phát do mắc phải (nhiễm HIV, suy dinh dưỡng nặng, dùng thuốc ức chế miễn dịch, xạ trị…); trong đó suy giảm miễn dịch bẩm sinh là căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ 1/1.200 trẻ sinh sống.
Theo BS Lê Thị Minh Hương, hiện nay, để điều trị suy giảm miễn dịch bẩm sinh chỉ có 2 phương pháp hiệu quả nhất là ghép tủy và truyền chế phẩm miễn dịch. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Pháp… trẻ được phát hiện bệnh trước 6 tháng tuổi và tiến hành ghép tủy thì cơ hội khỏi bệnh có thể đạt tới 95%. Trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, nếu được truyền chế phẩm miễn dịch đều đặn, vẫn có thể học tập, vui chơi và có cuộc sống bình thường như các bạn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, do hiểu biết về căn bệnh này của các gia đình còn hạn chế, việc chẩn đoán sớm gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, có trường hợp bị viêm phổi tái phát nhiều lần, tiêu chảy kéo dài dù đã được chữa trị tích cực nhưng vẫn không qua khỏi.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, chẩn đoán bệnh sớm là yếu tố quan trọng ngiúp việc điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh đạt hiệu quả cao.
Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đến khám tại cơ sở chuyên khoa ngay khi thấy bé có một trong những dấu hiệu của bệnh lý suy giảm miễn dịch sau đây:
- Mắc từ 4 đợt viêm tai trở lên trong vòng 1 năm.
-Mắc từ 2 đợt viêm xoang nặng trở lên trong vòng 1 năm.
-Mắc từ 2 đợt viêm phổi trở lên trong vòng 1 năm.
-Sử dụng kháng sinh trong vòng 2 tháng trở lên nhưng không hiệu quả.
-Trẻ chậm lớn, chậm tăng cân nhiều hơn bình thường.
-Áp xe da hoặc nội tạng tái diễn.
-Nấm miệng hoặc nấm da dai dẳng.
-Phải truyền kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm trùng.
-Mắc từ 2 đợt nhiễm khuẩn sâu hoặc nhiễm khuẩn huyết trở lên.
-Gia đình có tiền sử suy giảm miễn dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.