Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yếu tố then chốt

Bắc Vũ| 10/02/2022 06:04

(HNM) - Những năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực để từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các cấp học, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong tình hình mới.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, hằng năm, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cũng đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học; chú trọng mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, cơ sở giáo dục nước ngoài, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành Giáo dục và Đào tạo, nhiều giáo viên cũng không ngừng nâng cao trình độ thông qua việc tự học, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng sư phạm để hoàn thiện bản thân. Nhờ vậy, đến nay, đội ngũ nhà giáo của Thủ đô cơ bản đáp ứng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và bảo đảm chất lượng ở các cấp học.

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 19-1-2022 thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giai đoạn 2021-2026. Đây là một bước đi quan trọng tiếp theo của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thực hiện lộ trình này, yêu cầu hiện nay là toàn ngành nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như các quận, huyện, thị xã của thành phố là phải rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên; từ đó, bám sát Kế hoạch số 22/KH-UBND để xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, bảo đảm hiệu quả, thực chất, phù hợp thực tế của từng địa phương.

Trên cơ sở rà soát, việc triển khai Kế hoạch số 22/KH-UBND cần bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, bố trí đầy đủ nguồn kinh phí đào tạo và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách hiện hành đối với giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn.

Các cơ sở giáo dục cử giáo viên đi đào tạo cũng phải bảo đảm đúng chỉ tiêu và tiến độ; có phương án dự phòng các tình huống như thiên tai, dịch bệnh… Đặc biệt, trong quá trình có nhà giáo tham gia đào tạo, bồi dưỡng, các nhà trường cần tạo điều kiện về thời gian, sắp xếp kế hoạch giáo dục hợp lý để không ảnh hưởng đến việc dạy, học của đội ngũ giáo viên, học sinh.

Lực lượng giáo viên được chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng trình độ chuẩn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhà trường và học sinh, tham gia học tập đầy đủ, hiệu quả và thực chất; thực hiện cam kết sau khi hoàn thành khóa học sẽ tiếp tục công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tối thiểu gấp 2 lần thời gian được cử đi đào tạo theo đúng quy định của Kế hoạch số 22/KH-UBND.

Hà Nội luôn kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo mẫu mực, có phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi chính là yếu tố mang tính then chốt, “gốc rễ”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố then chốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.