(HNM) - "Ông hoàng phổ thơ Việt Nam", người nhạc sĩ của những ca khúc trữ tình đằm thắm Phan Huỳnh Điểu vừa hoàn thành bản tình ca mới nhất dành tặng Thủ đô nghìn năm tuổi: "Yêu lắm Hà Nội ơi!". Cư xá Bắc Hải (nơi vợ chồng nhạc sĩ ở) một ngày mênh mông nắng, nhưng bài hát của ông gọi về cái se lạnh của một Hà Nội thân thương: "Bàng bạc hồ Gươm sương mai còn đượm/Chiều chiều hồ Tây gió thu đùa lá bay…".
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ chia sẻ với bạn đọc Hànộimới về ca khúc này.
- "Yêu lắm Hà Nội ơi!" được hoàn thành sau chuyến thăm Hà Nội của ông nhân dịp sinh nhật lần thứ 85. Thưa nhạc sĩ, hình ảnh nào của Hà Nội nghìn năm tuổi đã thôi thúc ông viết nên ca khúc này?
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. |
- Tôi vẫn nghĩ từ lâu rồi, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện rất lớn, người dân bình thường cũng sẽ nghĩ tới, huống chi là văn nghệ sĩ. Vì vậy, nhân dịp nghìn năm có một này, tôi đã viết một bài hát để đóng góp cho Thủ đô của chúng ta. Nhưng 1000 năm là một câu chuyện dài lắm, lớn lắm, viết sao cho vừa trong một ca khúc trữ tình nhỏ bé? Một sớm bên hồ Gươm ngày cuối năm, trời ơi hồ Gươm sao mà đẹp! Hạnh phúc lớn nhất của Hà Nội là những đôi thanh niên nam nữ vui hưởng hòa bình hôm nay. Con người sống trong hạnh phúc, tôi cho đó là điều đáng quý nhất. Tôi chọn hình tượng những đôi thanh niên ở hồ Tây làm thông điệp nói lên hạnh phúc của Thăng Long nghìn năm, đơn giản thế thôi. Còn nếu như muốn kể thì phải nhiều lắm, nào đường phố, nào nhà máy… (cười).
- Ông được mệnh danh là ông hoàng phổ thơ. Mà thơ tình Hà Nội lại rất nhiều bài hay, có thể cất cánh cùng âm nhạc. Nhưng "Yêu lắm Hà Nội ơi!" cả phần nhạc và lời đều của Phan Huỳnh Điểu thì hẳn phải có lý do, thưa nhạc sĩ?
- (Cười) Quả là có thể chọn một bài thơ về Hà Nội để phổ thành bài hát hay. Nhưng bạn biết đấy, đây là dịp đặc biệt nên tôi muốn viết bằng lời của mình, hay dở thì cũng là tình cảm của riêng mình, trọn vẹn cả lời và nhạc. Lúc đầu, tôi định đặt tên là "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" nhưng nghe nó khẩu hiệu quá, lớn quá, nên tôi lấy chính câu cuối "Yêu lắm Hà Nội ơi!" để thể hiện chút tình với mảnh đất nơi tôi đã sống những năm tháng trưởng thành của đời người, rồi từ đó mà ra đi chiến đấu, và lại trở về… Cái tên đó thật và giản dị hơn.
- Thưa nhạc sĩ, phần nào ông cảm thấy khó nhất khi sáng tác ca khúc "Yêu lắm Hà Nội ơi!"?
- Trong "Yêu lắm Hà Nội ơi", tôi thấy khúc đầu khó nhất, làm sao trong vài dòng mà khái quát được "Một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và một nghìn năm nước sông Hồng vẫn trôi. Một nghìn năm qua bao thăng trầm bảo vệ non sông ta thắng quân ngoại xâm…". Không những phải đủ ý mà còn cần vần điệu, có khi nghĩ mấy ngày không ra một từ. Ví như khi tìm thấy chữ "đượm" trong câu "Bàng bạc hồ Gươm sương mai còn đượm", lòng tôi vui sướng lắm! Hình ảnh này có được chính nhờ chuyến thăm Hà Nội ngày cuối năm qua, trong đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật tôi mang tên "Tình yêu ở lại".
- Với ca khúc này, nhạc sĩ sẽ chọn ca sĩ nào thể hiện?
- Tôi cũng chưa chọn ai cụ thể, nhưng chắc là phải để một ca sĩ miền Bắc thể hiện, như Khánh Linh chẳng hạn.
- Nhạc sĩ có thể "gói" mong ước của mình với Hà Nội thân thương trong đôi lời chia sẻ cuối cuộc trao đổi này?
- Tôi chỉ muốn một Hà Nội mãi đẹp xinh, thanh bình để từng đôi nam nữ vui sống trong hòa bình. Lời hát cuối bài cũng thay lời tôi nói lên tấm tình với Thủ đô nghìn tuổi: "Xưa đây Thăng Long tiễn bóng rồng bay huy hoàng. Tiếp theo Hà Nội ngày nay từng bước đổi thay đẹp như cô gái xinh nét cười duyên để lòng ai xao xuyến. Ôi yêu lắm Hà Nội ơi!".
- Xin chân thành cảm ơn nhạc sĩ, chúc ông luôn vui khỏe!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.