(HNMO) - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội Phan Văn Mến vừa ký Công văn số 5577/BHXH-TTKT yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong công tác xử phạt vi phạm hành chính về BHXH.
Theo đó, trưởng các phòng nghiệp vụ, giám đốc BHXH quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ, công vụ liên quan đến thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nếu phát hiện các vụ việc vi phạm hành chính liên quan đến các chính sách nêu trên, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm, không bỏ lọt hành vi vi phạm. Trong trường hợp phát hiện các vụ việc vi phạm hành chính mà không thuộc thẩm quyền xử phạt, các lực lượng chức năng cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định.
Theo thống kê của BHXH thành phố Hà Nội, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm hết tháng 10-2022 là hơn 5.154 tỷ đồng, bằng 9,12% tổng số tiền cần thu, tăng 29 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số nợ thuộc diện khó thu, kéo dài từ 12 tháng trở lên là hơn 1.800 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng số nợ.
Một số đơn vị có số nợ lớn trong thời gian dài là Công ty cổ phần anh ngữ APAX (địa chỉ tầng 10 tòa nhà 14 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình) nợ đóng của 400 người lao động trong thời gian 32 tháng với số tiền gần 50 tỷ đồng; Công ty cổ phần LILAMA3 (địa chỉ số 86 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) nợ đóng của 67 người lao động trong thời gian 99 tháng với số tiền gần 42 tỷ đồng.
Danh sách nợ kéo dài còn có tên Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) nợ đóng của 720 người lao động trong thời gian 37 tháng với số tiền hơn 32 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cầu 12 (địa chỉ số 465 Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, quận Long Biên) nợ đóng của gần 30 lao động trong thời gian 68 tháng với số tiền hơn 30 tỷ đồng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.