(HNM) - Trong cuộc gặp mặt đại diện giới báo chí cả nước ngày 17-6, sau khi chia sẻ với những tâm tư, lắng nghe những trăn trở của người làm báo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Báo chí phải kiên trì chức năng, nhiệm vụ; đấu tranh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, thúc đẩy những nhân tố tích cực một cách trung thực, tạo lòng tin trong nhân dân. Đồng thời, mỗi người làm báo phải có lý tưởng, đứng về phía cái đúng, cái nhân văn.
Trước đó ít ngày, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Báo Hànộimới tổ chức tọa đàm trực tuyến về "Trách nhiệm xã hội của báo chí trong thời đại thông tin" với sự tham gia của đông đảo cơ quan quản lý, cơ quan báo chí trung ương và TP Hà Nội, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ cùng độc giả. Tại cuộc tọa đàm, đã có nhiều tham luận, ý kiến được đưa ra và dù xuất phát từ góc nhìn nào thì tất cả đều thống nhất với quan điểm khẳng định cũng như đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức của người làm báo.
Có thể nói, vấn đề trách nhiệm xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động báo chí đã trở thành yêu cầu tối quan trọng đặt ra đối với đội ngũ chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng hiện nay. Yêu cầu này càng trở nên bức thiết ở bối cảnh các cơ quan báo chí trong quá trình hoạt động vừa phải giữ đúng tôn chỉ, mục đích, giữ vững đạo đức nghề nghiệp vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên. Đây có thể được xem là thách thức lớn đối với bất kỳ cơ quan báo chí nào, đặc biệt là những tờ báo tự hạch toán.
Tại sao lại nói như vậy?
Thực tế, hoạt động báo chí những năm qua cho thấy không ít cơ quan báo chí vì những nguyên nhân nhất định đã chạy theo thị hiếu tầm thường, sa đà vào những đề tài giật gân kiểu như "đâm chém - cướp - giết - hiếp" hoặc chuyện vụn vặt, mê tín dị đoan. Một số tờ báo, tạp chí, đặc biệt là các ấn phẩm phụ, số chuyên đề xa rời tôn chỉ, mục đích. Từ đây, dẫn đến việc xuất hiện không ít thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, thiếu khách quan, tác động tiêu cực tới dư luận xã hội; ở chiều ngược lại, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín đội ngũ những người làm báo nói chung… Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trước hết là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông xã hội. Báo chí đứng trước yêu cầu cạnh tranh thông tin gay gắt, trong đó không ít tờ báo đã chạy theo các tiêu chí "nhanh", "lạ"… Tuy nhiên, trong khi chạy theo tiêu chí "nhanh", không ít tờ báo đã rơi vào tình trạng thiếu chính xác; chạy theo tiêu chí "lạ", không ít ấn phẩm đã hiểu một cách tiêu cực là "giật gân", câu khách bằng mọi giá. Thứ hai, do những tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận người làm báo đã không còn giữ được sự tỉnh táo, liêm chính, trung thực của ngòi bút và đã xuất hiện tình trạng "đánh hội đồng"… làm nhiễu loạn thông tin xã hội. Đặc biệt đáng lo ngại là đã xuất hiện tình trạng tha hóa, tự tha hóa ở không ít người cầm bút…
Công bằng mà nói, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp là yêu cầu đặt ra đối với bất cứ ngành nào, nghề nào. Ngành nghề nào trong quá trình hoạt động mà "quên" đi trách nhiệm xã hội nghề nghiệp của bản thân ngành nghề đó đều để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Với báo chí, yêu cầu này lại càng phải đề cao hơn. Bởi lẽ, báo chí là loại nghề nghiệp đặc thù, với những tác động nhanh, sâu rộng tới dư luận xã hội. Có thể so sánh không quá rằng, nếu như một viên thuốc rởm chỉ gây hại đối với một người thì một tác phẩm báo chí thiếu trách nhiệm sẽ để lại hậu quả tiêu cực đối với hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người. Những bài học liên quan kiểu làm báo vô trách nhiệm còn nguyên tính thời sự. Đặt vấn đề trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp như một yêu cầu tối quan trọng của báo chí chính là vì thế.
Trong chặng đường 90 năm báo chí cách mạng vẻ vang, đội ngũ những người cầm bút đã có những đóng góp to lớn đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. Những tiêu cực, tồn tại, những mặt trái - có thể xem là "những con sâu làm rầu nồi canh" - dù ít nhưng vẫn đáng để suy ngẫm và không phải không đáng lo ngại. Báo chí ra đời từ thực tế đời sống xã hội và phải đồng hành cùng với cuộc sống. Báo chí chỉ có thể lớn mạnh nếu như trở thành một động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Để làm tròn thiên chức của mình, nói như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hơn bao giờ hết mỗi người làm báo phải có và phải tự bồi đắp lý tưởng, dám đứng về phía cái đúng, cái tốt, cái nhân văn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.