(HNM) - Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề ở nước ta ngày càng được chú trọng, mối liên kết 3 “nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) trong giáo dục nghề nghiệp thêm gắn bó, khẳng định hiệu quả. Minh chứng rõ nhất là mỗi năm có hơn 80% số người học nghề tại Việt Nam tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp; tỷ lệ học sinh học nghề và tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từng năm; nhiều trường nghề đã khắc phục được tình trạng học “chay” vì doanh nghiệp đã cùng tham gia vào quy trình đào tạo khi sẵn sàng đón học viên đến học tập, thực hành tại đơn vị mình.
Hiệu quả là vậy nhưng trên thực tế mối liên hệ này ở một số địa phương chưa bền chặt. Nhiều cơ sở giáo dục chưa đào tạo đúng những ngành, nghề doanh nghiệp cần; ngược lại doanh nghiệp cũng chưa mặn mà tham gia nên đến nay mới có 30% doanh nghiệp đồng hành với trường nghề. Doanh nghiệp - nhà trường chưa thấy được lợi ích của việc gắn kết nên thiếu giải pháp mang tính dài lâu.
Sự lỏng lẻo này được nhìn nhận là do Nhà nước chưa quy định doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm xã hội trong việc tham gia đào tạo nghề...
Những tồn tại này dẫn đến công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn và bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với những đòi hỏi từ cuộc sống, liên kết 3 "nhà" sẽ là hướng đi tất yếu. Điều này cũng được nhấn mạnh tại Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 28-5-2020 về “Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”) nhằm tạo dựng được thị trường lao động phát triển bền vững.
Để mối liên hệ được bền chặt, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo nghề cũng như khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề thì các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động. Từ đó, hình thành kế hoạch đào tạo bài bản, bám sát thực tiễn. Trên cơ sở “bộ khung” đó, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phát triển nghề, trong đó mấu chốt là chú trọng sự gắn kết hữu cơ giữa 3 “nhà” bằng cách bảo đảm lợi ích giữa các bên.
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng thì nhận thức của người học nghề phải được nâng lên. Do đó, công tác tuyên truyền về học nghề cần được các thầy, cô giáo phân tích, giải đáp để phụ huynh, học sinh có sự lựa chọn phù hợp. Song, quan trọng hơn vẫn là sự khẳng định "thương hiệu" của các trường nghề, sao cho, học sinh tốt nghiệp có việc làm ngay. Đó là điều thuyết phục nhất để các trường nghề thu hút người học.
Ở góc độ doanh nghiệp, khi tiếp nhận người lao động có tay nghề cũng là một lợi thế. Do đó, doanh nghiệp nên coi sự gắn kết với các trường nghề là cách để duy trì được nguồn lao động chất lượng cao. Thông qua việc "đặt hàng" với nhà trường, việc dạy nghề sẽ đúng mục tiêu, doanh nghiệp không mất công đào tạo lại. Ngược lại, để doanh nghiệp có niềm tin thì chính các cơ sở giáo dục cũng phải tự đổi mới, linh hoạt tìm kiếm doanh nghiệp làm đối tác và bảo đảm quyền lợi cho đối tác của mình.
Việc gắn kết 3 “nhà” là yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, xây dựng được mối quan hệ này tốt đẹp sẽ tạo được lực lượng lao động chất lượng, là yếu tố để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.