Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý tưởng vẫn chưa thành!

Minh Ngọc| 21/11/2010 05:49

Nhiều điểm mới so với Festival 2009 * Cắt giảm chương trình dành tiền ủng hộ đồng bào miền Trung


Những điểm mới


 Cầu Long Biên được trang trí theo mô hình cầu Rồng

Nếu như trong lễ hội năm 2009, ngay từ sáng sớm của ngày khai mạc, dòng người đã chen nhau lên cầu đi hội, chen nhau ăn uống rồi vứt rác bừa bãi bất chấp thông báo, nhắc nhở của BTC thì năm nay, người dự hội đã hàng nối hàng thong dong thả bộ dọc cây cầu và thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Em Trần Tuấn Anh, thanh niên tình nguyện phụ trách công tác hướng dẫn an ninh cho biết: Từ 7h - 17h, em chưa thấy trường hợp nào gây mất trật tự. Có được thành công này là bởi BTC lễ hội đã tích cực tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của lễ hội trong suốt một thời gian dài trước đó để người dân hiểu rằng, họ vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể cảm thụ các giá trị văn hóa. Hơn thế, bãi gửi xe, khu giao lưu văn hóa ẩm thực, khu vui chơi, giải trí... được BTC đưa sang đầu cầu phía Gia Lâm đã góp phần giảm tải ách tắc giao thông bên đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải...

Điểm mới trong lễ hội năm nay còn là không gian rất đỗi thanh bình, gần gũi trên cây cầu Long Biên vốn tấp nập thường ngày. Ở đó, có những bức ảnh tuyệt đẹp về cây cầu, về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội; có những thiếu nữ trong trang phục Hà Nội xưa gánh hoa Ngọc Hà; có các mẹ, các chị của làng Hậu Xã, xã Mỹ Đình (Từ Liêm) trong áo nâu sồng, quần nái đen bán cốm thơm; có các thiếu nữ e ấp trong váy đen, yếm thắm thả chim bồ câu nguyện ước cho thế giới hòa bình...

... nhưng còn mờ nhạt về nội dung


Những hình ảnh về cầu Long Biên qua các thời kỳ được trưng bày tại Festival
Ảnh: Viết Thành

Theo ý tưởng của BTC, cây cầu Long Biên gắn bó với lịch sử, văn hóa của đất và người Hà Nội suốt hơn 100 năm qua được chia thành hai chiều "Ký ức" và "Ước mơ" để những người đã từng gắn bó với cây cầu có dịp được sống lại quá khứ một thời, để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, từ đó có những uớc mơ tốt đẹp hướng tới tương lai. Chiều "Ký ức" đi từ Hoàn Kiếm sang Gia Lâm tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc với nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật, trang phục cổ tượng trưng cho 11 thế kỷ của đất Thăng Long. Chiều "Ước mơ" đi từ Gia Lâm sang Hoàn Kiếm, phản ánh tương lai của Hà Nội, của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển với các triển lãm nghệ thuật "Vì một hành tinh xanh". Đây là ý tưởng hay, được dư luận cũng như người dân đánh giá cao và háo hức chờ đợi.

Thế nhưng, trong lễ khai mạc, BTC in chương trình trong tờ rơi là sẽ tái hiện các nhân vật thần thoại, cổ tích gắn với sự hình thành và phát triển của Việt Nam như: Lạc Long Quân - Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thạch Sanh, Tấm Cám, Thánh Gióng nhưng cuối cùng cha Rồng, mẹ Tiên không xuất hiện. Chuỗi các hoạt động đường phố được coi là điểm nhấn của festival diễn ra dọc hai chiều của cây cầu với nhiều chương trình… cũng khuyết mất lễ hội hóa trang và hoạt cảnh.

Triển lãm 10 thế kỷ của Hà Nội không có hiện vật. Phần trình diễn trang phục gắn với các môn nghệ thuật truyền thống, như: ca trù, hát xẩm, chèo, tuồng, quan họ... không diễn ra trong ngày đầu tiên khiến cho ý tưởng biến cây cầu Long Biên thành miền "Ký ức" và chuyển tải "Ước mơ" của BTC không được thể hiện rõ ràng, để lại nhiều nuối tiếc cho du khách.

Đoạn giữa cây cầu dành cho chủ đề "Bạn bè quốc tế với Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" được bà Nguyễn Nga, Giám đốc Ngôi nhà nghệ thuật, đơn vị tổ chức festival khẳng định là điểm nhấn bao trùm của lễ hội. Không gian nghệ thuật mở dành cho các nghệ sỹ trong nước, quốc tế tự do thể hiện sự sáng tạo chưa đủ hấp dẫn để thổi cảm hứng sáng tác hoặc biểu diễn cho những tâm hồn đam mê, ngoại trừ nghệ sỹ đàn violong đường phố Tạ Trí Hải đến từ CLB Ngàn sao, TP Hồ Chí Minh...

Một điều băn khoăn nữa mà nhiều người dự hội đặt câu hỏi là tại sao BTC không đặt các hòm quyên góp tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt dọc hai bên cầu như đã thông báo trong buổi họp báo ngày 16-11.

Lý giải cho những hạn chế trên, bà Nguyễn Nga cho biết: Lễ hội được tổ chức với tinh thần triệt để tiết kiệm để dành tiền ủng hộ đồng bào miền Trung, do đó BTC cắt bỏ những chương trình mà người dân đã "bội thực" trong dịp Đại lễ. Còn việc không đặt hòm quyên góp là do nhóm phụ trách phần việc này chưa kịp in lô gô dán lên hòm quyên góp (hệ thống hòm quyên góp đã được đặt vào các vị trí như đã thông báo vào chiều cùng ngày). Riêng khu giao lưu ẩm thực, bà Nga cho biết là BTC lễ hội làm hợp đồng với một đơn vị chuyên tổ chức hội chợ và họ làm hợp đồng với chủ các gian hàng như thế nào bà không được biết. Bà Nguyễn Nga khẳng định sẽ hoàn thiện hơn khâu tổ chức vào festival năm sau.

Đồng ý rằng cắt bớt các chương trình tốn kém, dành tiền ủng hộ đồng bào miền Trung mà BTC đã làm là hợp lý, nhưng cắt đến mức lễ hội đường phố mà thiếu các hoạt động đường phố, thiếu đi những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của nhân dân các vùng miền đất nước như thế, liệu có nên? Câu trả lời xin gửi lại BTC lễ hội. Hy vọng rằng, các chương trình bế mạc lễ hội diễn ra hôm nay (21-11) sẽ không làm công chúng thất vọng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển:

Festival cầu Long Biên được tổ chức theo hình thức lễ hội đường phố với mục đích hội tụ các miền văn hóa Việt Nam, giao lưu văn hóa quốc tế. Thông qua các hoạt động trong lễ hội, tôi hy vọng rằng nhân dân Việt Nam nói riêng, bạn bè quốc tế nói chung hãy cùng nhau lên tiếng bảo vệ hòa bình.

Anh Bill Cabell, bang Norfolk Virgina (Mỹ):

Tôi đã tham gia vào đoàn người đi bộ vì hòa bình trên cây cầu lịch sử của các bạn. Thật tuyệt, tôi rất ấn tượng với những gì đang diễn ra ở đây, nhất là bức tranh kêu gọi hành động vì môi trường của các cháu khuyết tật. Tôi mong rằng, sau khi tham dự lễ hội này, mỗi người chúng ta hãy nghĩ lại và biết điều chỉnh hành vi để bảo vệ hành tinh xanh, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Anh Vũ Minh Quốc, xã Phú Cường (Ba Vì):

Quyên góp tiền ủng hội đồng bào miền Trung là việc làm ý nghĩa và nhân văn trong lễ hội. Song, giá như BTC đặt thùng quyên góp hoặc có hướng dẫn khách cách dùng coupon để giao dịch thì khách dự hội sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc ủng hộ đồng bào trong cơn hoạn nạn
.


Hôm nay (21-11), Festival cầu Long Biên diễn ra các hoạt động: Triển lãm ảnh, tư liệu 10 thế kỷ của Hà Nội; triển lãm tranh các họa sĩ vẽ về cầu Long Biên; chương trình "Đoàn tàu âm nhạc" với sự tham gia của 24 cây Accordeon biểu diễn ca khúc "Trên cầu Long Biên" của nhà soạn nhạc người Pháp - Christophe Hache và "Thấy Hà Nội" của Claude Vadasz. "Đoàn tàu âm nhạc" sẽ khởi hành từ ga Hà Nội, biểu diễn xuyên qua một số tuyến phố cổ từ 14h đến 15h.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Long Biên - nhịp cầu hòa bình" bế mạc lễ hội với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế sẽ diễn ra vào 20h cùng ngày tại sân khấu dưới chân cầu phía ga Long Biên.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ý tưởng vẫn chưa thành!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.