Theo dõi Báo Hànộimới trên

Y tế - Trụ cột, trung tâm phòng, chống dịch

Thu Trang - Vũ Dung| 30/09/2021 06:50

(HNM) -  Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 23-9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 6 nguyên tắc để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Trong đó, y tế là nguyên tắc đầu tiên, được xem là trụ cột, là trung tâm. Thực tế, trong 2 năm qua, ngành Y tế đã và đang dồn hết tâm sức nhằm kiểm soát dịch bệnh, thực sự là “lá chắn” trong công tác phòng, chống dịch để góp phần cùng cả nước sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường.

Cán bộ y tế quận Long Biên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại phường Phúc Lợi. Ảnh: Nhật Nam

Vào cuộc khẩn trương, không quản ngày đêm

Khi tình hình dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam bắt đầu “nóng” lên từng ngày, thì cũng là lúc từng đoàn y, bác sĩ bệnh viện trung ương, Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố khác nối tiếp nhau lên đường chống dịch. Tính từ tháng 7-2021 đến nay, gần 20.000 lượt y, bác sĩ miền Bắc đã lên đường chi viện cho các tâm dịch phía Nam.

Ngay từ tháng 7-2021, đoàn 600 y, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức do GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện dẫn đầu, đã lên đường vào miền Nam để thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh. Vượt qua nỗi nhớ nhà, chạy đua với thời gian, các y, bác sĩ đã nỗ lực hết mình để làm sao điều trị có hiệu quả nhất cho bệnh nhân. 

Cũng nhờ sự vào cuộc khẩn trương, không quản ngày đêm của lực lượng y tế mà chiến lược xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng thần tốc tại thành phố Hà Nội đã đem lại hiệu quả cao, giúp chấm dứt được việc phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực vượt bậc của các lực lượng tuyến đầu.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, chỉ trong 1 tuần, một chiến dịch xét nghiệm “thần tốc” đã được thành phố triển khai cả ngày lẫn đêm với sự hỗ trợ của gần 10.000 nhân viên y tế tại các bệnh viện trung ương, bộ, ngành và 12 địa phương khu vực phía Bắc. Hàng chục nghìn điểm xét nghiệm được triển khai, thậm chí, nhân viên y tế đến tận nhà người dân để lấy mẫu.

Song hành với chiến dịch xét nghiệm, các quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội đã huy động tổng lực “phủ xanh” vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn. Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngay khi có kế hoạch của thành phố, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp nhịp nhàng với cán bộ, y, bác sĩ địa phương cùng sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ y, bác sĩ các bệnh viện đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân. 

Cùng với sự hỗ trợ của hơn 800 cán bộ, y, bác sĩ tỉnh Bắc Giang, chỉ trong một thời gian ngắn, quận Long Biên đã triển khai 123 dây chuyền tiêm vắc xin và 104 tổ lấy mẫu xét nghiệm, phủ khắp 14 phường. Trực tiếp tham gia hỗ trợ tại điểm tiêm phường Việt Hưng, quận Long Biên, bác sĩ Đỗ Tiến Vinh (Phòng Dân số và Truyền thông, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: “Ngay khi Sở Y tế tỉnh Bắc Giang có kế hoạch về việc cử nhân lực tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng tại Hà Nội, đã có rất nhiều nhân viên y tế tại các đơn vị tình nguyện lên đường. Với chúng tôi, đây cũng là sự tri ân đối với Thủ đô...”.

Để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất

Từ những nỗ lực của ngành Y tế trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trên phạm vi cả nước, công tác phòng, chống dịch có chuyển biến tích cực, tình hình dịch cơ bản đang từng bước kiểm soát. Dự báo, thời gian tới, nếu các biện pháp phòng, chống dịch tiếp tục được triển khai quyết liệt, thì dịch có thể được kiểm soát trên diện rộng. Dù vậy, nước ta sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới ở những người nhập cảnh về nước, xuất hiện các ổ dịch mới tại một số địa phương với quy mô khác nhau, khó xác định được nguồn lây trong cộng đồng, trong cơ sở y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, xét nghiệm, điều trị; bảo đảm nơi nào thực hiện cách ly phải cách ly nghiêm ngặt; tiến độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh và tổ chức phân loại người bệnh, chăm sóc, điều trị ngay tại cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất. Riêng với các tỉnh, thành phố không thực hiện giãn cách cần chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập. Khi phát sinh các ổ dịch mới cần nhanh chóng triển khai việc truy vết nhanh, khoanh vùng hiệu quả, cách ly kịp thời. Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, trong đó ưu tiên tiêm trả mũi 2 và mở rộng cho các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đầu mối giao thương…

Riêng đối với Hà Nội, tuy đã cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan vẫn cao. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, khi nới lỏng giãn cách xã hội, thành phố càng phải cẩn trọng cao độ, không được chủ quan, lơ là. Nếu phát hiện ổ dịch, cần truy vết mạnh, truy vết nhanh, rồi tiến hành xét nghiệm và đánh giá nguy cơ, phong tỏa ở mức hẹp nhất, chặt nhất để không ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội. Như vậy, lực lượng y tế phải tiếp tục nỗ lực rất cao mới hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ngành Y tế cùng với các ngành như: Giao thông, Công Thương, Công an..., cần xây dựng phương án cụ thể để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bùng phát. Cùng với đó, người dân phải được tiêm chủng đủ mũi để bảo đảm an toàn; nếu không tiêm chủng tốt, việc nới lỏng giãn cách không thể bền vững được. Ngoài ra, người dân phải thực hiện tốt nguyên tắc “5K”. Bảo đảm vững chắc trụ cột y tế mới có thể thực hiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Y tế - Trụ cột, trung tâm phòng, chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.