(HNM) - Những ngày qua, y tế tuyến cơ sở, trong đó có tuyến huyện tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng vào cuộc để cùng thành phố chống đại dịch Covid-19. Hình ảnh các nhân viên y tế làm việc tận tụy, không quản vất vả đã gây ấn tượng mạnh.
Để thực hiện cách ly kịp thời những người đến từ vùng dịch, thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng xây dựng khu tập trung cách ly tại các quận, huyện.
Bác sĩ Hứa Khắc Phương Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 11 cho biết, khi mới thành lập khu cách ly trên địa bàn phường 5 của quận, Chủ tịch UBND quận 11 đã chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp với UBND phường 5 tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của khu cách ly cộng đồng; đồng thời, nhấn mạnh cho người dân đây là khu cách ly dành cho những người đi từ, đi qua vùng dịch. Các lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận, nhân viên y tế của Trung tâm cùng chính quyền địa phương đã đến các hộ dân cư để giải thích, đề nghị hỗ trợ hợp tác. Dần dần người dân cũng hiểu và ý thức rõ để cùng hợp tác với ngành Y tế làm tốt công tác phòng và khoanh vùng dịch. Đối với người làm nghề, mỗi lần nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ người dân là một lần thấy có thêm động lực làm việc.
Còn khu cách ly ở quận 3 được chính quyền địa phương thành lập ngay sau khi phát hiện một Việt kiều Mỹ đang cư ngụ tại khách sạn trên địa bàn dương tính với Covid-19. Bác sĩ Lê Quang Nhựt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện quận 3 cho hay, mỗi ngày nhân viên y tế quận đều đến thăm khám và đo nhiệt độ cơ thể cho người được cách ly 2 lần. Ngoài ra, nhân viên y tế còn tư vấn cặn kẽ cho người được cách ly các biện pháp tăng cường sức khỏe.
Các quận, huyện cũng thành lập các đội phản ứng nhanh, được tập huấn đầy đủ chuyên môn về bệnh truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, hậu cần, xét nghiệm, lái xe... Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2 thông tin, đội ngũ nhân viên y tế phối hợp với chính quyền phường đã lập hồ sơ quản lý, phối hợp các lực lượng để rà soát những bệnh nhân về từ vùng dịch. “Quan trọng là việc rà soát, khai báo y tế từ những người từ vùng dịch về và những người tiếp xúc với trường hợp dương tính Covid-19. Rất đáng mừng là các nhân viên y tế tuyến cơ sở đã góp phần thực hiện tốt việc này”, bác sĩ Khanh đánh giá.
Còn bác sĩ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Củ Chi cho biết, bệnh viện đã cử 10 bác sĩ điều trị, 2 bác sĩ siêu âm cùng 15 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên xét nghiệm, 2 chẩn đoán hình ảnh đến tăng cường cho bệnh viện dã chiến.
Từ Trung tâm Y tế quận Tân Bình, chị Hà Thị Tường Vi cho biết, công việc của những nhân viên y tế cơ sở như chị tưởng đơn giản, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Cũng có người cách ly không tuân thủ việc phải ở nhà hoàn toàn trong 14 ngày, không trong phòng cách ly tại nhà hoặc vẫn tiếp xúc trực tiếp với người nhà. Điều này khiến thời gian để truyền thông, hướng dẫn cho 1 trường hợp kéo dài hơn rất nhiều. “Bất kể thời gian nào trong ngày, có thông tin về những di biến động bất thường của người đang thực hiện cách ly, hay những trường hợp nghi nhiễm, là chúng tôi phải xuống ngay nhà họ để tuyên truyền, giải thích, vận động”, chị Tường Vi nói.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có gần 400 bác sĩ, hơn 750 điều dưỡng tại các bệnh viện quận, huyện đã được sắp xếp, điều động đến các khu cách ly tập trung để sẵn sàng cho cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.