Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý chí mạnh mẽ của người cầm bút

Thi Thi thực hiện| 06/10/2013 07:24

LTS: Ra mắt 4 tập đầu tiên năm 1992, sau đó là 14 tập năm 2007, cuối tháng 9 vừa qua là 17 tập do NXB Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành, bộ tiểu thuyết tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ mang tên

LTS: Ra mắt 4 tập đầu tiên năm 1992, sau đó là 14 tập năm 2007, cuối tháng 9 vừa qua là 17 tập do NXB Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành, bộ tiểu thuyết tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ mang tên "Đường thời đại" của tác giả Đặng Đình Loan thật đáng chú ý. Mặc dù giá trị của "Đường thời đại" cần thời gian khẳng định nhưng cho đến thời điểm này, đây là bộ tiểu thuyết lịch sử chiến tranh đồ sộ của văn học Việt Nam đương đại.

Trân trọng ý chí mạnh mẽ, tình yêu nước sâu đậm của tác giả Đặng Đình Loan, Hànộimới mời bạn đọc cùng chia sẻ về tác phẩm của ông qua cuộc trò chuyện dưới đây.

Tiểu thuyết Đường thời đại.


- Thưa ông, con đường nào đã khiến một người lính như ông sau chiến tranh dồn sức mấy chục năm tìm hiểu, tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc qua bộ tiểu thuyết dày 9.000 trang?

- Tôi đang học năm thứ 2 đại học thì vào chiến trường, chiến đấu từ khoảng cuối năm 1962 cho đến năm 1975. Ở đó, ngay cả khi ốm đau tôi cũng đốt lồ ô đọc sách. Một trong những cuốn sách ấn tượng với tôi là cuốn "Bàn về văn học" của Gorki, trong đó có một câu "Con đường văn học cách mạng là con đường lao động khổ sai". Sau chiến tranh, tôi có được đọc và cũng đặc biệt nhớ tới học giả Nhật Bản Shingo Shibata với nhận định: Rồi đây, nhân loại trên thế giới không biết còn cần bao nhiêu thiên niên kỷ nữa thì mới có thể cắt nghĩa được vì sao Việt Nam thắng đế quốc Mỹ. Vì sao cực nghèo thắng cực giàu, cực nhỏ thắng cực lớn, cực lạc hậu lại thắng cực tiên tiến…?". Và theo ông, "ngoài con người Việt Nam thì có lẽ Việt Nam không có gì để thắng Mỹ".

Đó là động lực để tôi nuôi ước mơ viết bộ tiểu thuyết về cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Tôi xác định mục tiêu chính là viết về chiến tranh và nơi phải tìm kiếm tư liệu đầu tiên là Hà Nội. Còn nhớ, khi tìm tới những nơi lưu giữ tài liệu chiến tranh rồi được biết là chưa có nhà văn nào tới đây, tôi càng quyết tâm thực hiện. Cuối cùng, tập 1 ra đời năm 1991 và 3 tập tiếp theo lần lượt xuất hiện vào năm 1992. Lúc đó, bắt đầu có những cuộc tọa đàm, hội thảo về bộ sách 4 tập "Đường thời đại" với ý kiến của các nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu về văn học…

- Bạn đọc có thể được biết rõ hơn về tinh thần chính cũng như mong mỏi của ông qua bộ tiểu thuyết vẫn còn đang được hoàn thiện này?

- Viết bộ tiểu thuyết này, tôi xác định phải có cái nhìn lớn, tri thức lớn về cả hai phía, phải là một tác phẩm ngang tầm với chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Tác phẩm phải để lại những bài học cho con cháu mai sau, đó là những tấm gương về lòng yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng của dân tộc, về cái giá phải trả để có được độc lập tự do, và về cả tri thức quân sự để có thể đương đầu với các hình thái chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai.

- Là tiểu thuyết thì có quyền hư cấu. Nhưng một tác phẩm về chiến tranh và lịch sử với hàng trăm nhân vật và vô vàn chi tiết lịch sử lại cần bảo đảm tính xác thực. Ông làm thế nào để kết hợp hai yếu tố ấy trong hàng nghìn trang viết của mình?

- Viết về chiến tranh nhưng không thể chỉ có tri thức chiến tranh, mà phải có tri thức khoa học, xã hội, cuộc sống. Và chúng ta để lại những tri thức đó thông qua con người và tình yêu. Trong đó, tình yêu - bài ca muôn thuở của nhân loại và các tình huống gay cấn của hàng trăm số phận chính là yếu tố kết nối nhằm tạo sự hấp dẫn trong tác phẩm. Một tác phẩm không có tình yêu là một tác phẩm vô nghĩa. Tác phẩm càng lớn, tình yêu con người càng dữ dội, mạnh mẽ. Tôi sử dụng hệ thống nhân vật hư cấu để kết nối các nhân vật có thật. Không có chiếc áo khổng lồ nào mà lại không được bắt đầu và kết nối từ những mũi kim và sợi chỉ nhỏ.

Theo tôi, tiểu thuyết phải là đoàn tàu chở tri thức tới tương lai nhưng trên hành trình ấy phải có những bóng mát của câu chuyện tình yêu để độc giả được nghỉ ngơi, đi tiếp những trang sử hào hùng.

- Nhà văn Nguyễn Phan Hách, nhà văn Cao Tiến Lê từng bày tỏ sự khâm phục ông ở khả năng "kiến trúc" tài tình cho tác phẩm nhằm điều khiển "toàn bộ bản nhân vật khổng lồ của mình"… Vậy, hẳn ông phải có bản thiết kế cho diễn biến của các sự kiện và nhân vật trong bộ sách?

- Tôi không hề dựng đề cương. Những năm tháng lấy tư liệu cũng là những năm tháng hình thành đề cương câu chuyện trong đầu tôi. Tôi cứ nghĩ đến đâu viết đến đó và cũng chỉ viết một lần thôi. Như bạn thấy đấy, tôi vừa hoàn thành hai tập tiếp theo 18, 19 với bản thảo viết tay không sửa chữa nhiều.

- Ông dự định sẽ kết thúc bộ tiểu thuyết này với bao nhiêu tập và khi nào thì hoàn thành?

- Ui chao, cũng khó nói là khi nào hoàn thành lắm, vì còn tùy theo sức khỏe. Nhưng chắc cũng phải 23 cho đến 25 tập thì mới có thể đi đến thời điểm chiến thắng. Tất nhiên, trong các tập, tôi sẽ chỉ chọn dựng những sự kiện tiêu biểu mang tầm nhân loại của cuộc chiến chống Mỹ vĩ đại.

- Xin chân thành cảm ơn ông và chúc ông nhiều sức khỏe!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ý chí mạnh mẽ của người cầm bút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.