Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuống tận cơ sở, quyết tâm xử lý vi phạm

Xuân Lộc| 19/04/2018 07:09

(HNM) - Ngay sau khi UBND TP Hà Nội triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã đồng loạt thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm.


Vào cuộc đồng bộ

Mặc dù rất kiên trì trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên với số lượng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm rất lớn, TP Hà Nội vẫn luôn là địa bàn “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Trong khi đó, nhân lực chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhưng chỉ có hơn 200 cán bộ chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội cho rằng, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018 sẽ gắn trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra một nhà hàng tại huyện Mỹ Đức.


Ngay từ khi bắt đầu, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm đã được UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chủ động triển khai theo đúng chủ đề. Tại quận Thanh Xuân, một trong những địa bàn đông dân cư và có nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, công tác triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm được lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm.

Theo bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, ở cấp quận thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, bao gồm các thành phần: Phòng Y tế, Phòng Kinh tế, Trung tâm Y tế, Trạm Thú y, Công an quận, Đội Quản lý thị trường số 12. Lực lượng này sẽ kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tháng hành động vì An toàn thực phẩm tại một số phường; giám sát các cơ sở do phường kiểm tra.

Mặt khác, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được phân cấp trên địa bàn quận quản lý, đặc biệt truy xuất nguồn gốc sản phẩm rượu, thực phẩm không an toàn. Còn tại các phường, việc tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, truyền thông tới người tiêu dùng dưới nhiều hình thức để họ nhận biết, nói không với thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hiểu rõ tác hại của rượu, nhất là rượu pha cồn công nghiệp, quận còn tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.

Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay, quận sẽ triển khai hoạt động của 17 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn các phường, chợ...

Giảm thiểu ngộ độc thực phẩm

Quyết tâm cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh, việc triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, mục tiêu đề ra là làm thế nào giảm tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc tập thể tại bếp ăn trường học, khu công nghiệp…

Tại hội nghị triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018 vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra từ khâu sản xuất đến tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, nhất là tập trung kiểm tra các mô hình thí điểm về thực phẩm an toàn, các điểm kinh doanh, sản xuất rượu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, ngoài sự nỗ lực từ các cấp, các ngành của thành phố, các quận, huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo sâu sát công tác triển khai an toàn thực phẩm xuống địa bàn các xã, phường, thị trấn cũng như thực hiện đúng theo kế hoạch của thành phố về công tác kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm.

Để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ tăng cường sử dụng 5 xe kiểm nghiệm nhanh lưu động để lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm ngay tại chỗ, làm cơ sở xử lý kịp thời các sai phạm.

Đặc biệt, Công an TP Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm lưu thông trên địa bàn. Bên cạnh đó, phát hiện, điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là hàng giả, hàng nhập lậu, rượu có chất độc hại, chuyển truy tố các vụ gây hậu quả nghiêm trọng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuống tận cơ sở, quyết tâm xử lý vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.