Văn hóa

Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024: Phát huy trí tuệ xây dựng Thủ đô

An Nhi 28/09/2024 - 06:21

Hôm nay (28-9), Thành ủy-HĐND-UBND thành phố Hà Nội tổ chức trao Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Qua 7 lần tổ chức, Giải báo chí mang dấu ấn của Thủ đô ngày càng thu hút được đông đảo phóng viên, cơ quan báo chí tham gia, từ đó phát huy được trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

hanoi.jpg
Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô quan tâm, triển khai, đạt hiệu quả thiết thực. Ảnh: Đỗ Tâm

Chuyên nghiệp, khách quan, uy tín, chất lượng

Lần thứ 7 tổ chức, Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Công tác tổ chức giải được thực hiện chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả, thu hút sự tham gia hưởng ứng của nhiều phóng viên, cơ quan báo chí. Ban tổ chức đã nhận được 345 tác phẩm của 48 đơn vị, cơ quan báo chí, trong đó có 7 cơ quan báo chí của Hà Nội, 41 đơn vị, cơ quan báo chí trung ương, bộ ngành, địa phương gửi tham dự; tăng 9 đơn vị, cơ quan báo chí và 53 tác phẩm so với năm 2023. Đây cũng là năm có số lượng tác phẩm báo chí, số đơn vị, cơ quan báo chí tham dự giải nhiều nhất từ trước tới nay. Hội đồng sơ khảo đã tổ chức chấm và giới thiệu được 80 tác phẩm vào vòng chung khảo.

Theo nhà báo Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo, giải năm nay, bên cạnh các cơ quan báo chí của Hà Nội tích cực và là nòng cốt, có các cơ quan báo chí của Trung ương, bộ ngành và đặc biệt là các cơ quan báo chí địa phương khác như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên hay Quảng Ngãi tham dự đông đảo, chất lượng tốt. Điều này cho thấy sức lan tỏa của giải ngày càng mạnh mẽ và tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” được nâng cao.

Nhà báo Tô Quang Phán cũng nhận định, các tác phẩm vào chung khảo đều chung đặc điểm là vận dụng tốt công nghệ làm báo hiện đại. Đặc biệt, báo điện tử thể hiện rõ ưu thế về công nghệ với các tác phẩm đa phương tiện như megastory, longform, e-magazine, podcast… chất lượng cao, đem lại trải nghiệm hấp dẫn hơn. Các tác phẩm có góc nhìn đa dạng, nhiều chiều. Một số “lớp trầm tích” văn hóa lâu nay ít chú ý đã được các nhà báo khai thác sâu sắc, gợi mở nhiều vấn đề…

hanoi-1.jpg
Nhóm tác giả loạt bài “Tạo “mã định danh” người Hà Nội” của Báo Hànộimới phỏng vấn Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Anh Tuấn

Đúng, trúng các vấn đề phát triển văn hóa Hà Nội

Qua quá trình chấm chung khảo công tâm, khách quan, năm nay có 34 tác phẩm báo chí xuất sắc được trao giải. Trong đó, có 1 giải Đặc biệt, 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 15 giải Khuyến khích và giải cho 2 cơ quan báo chí tiêu biểu có nhiều tác phẩm chất lượng tham dự giải. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm đoạt giải đều được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; nội dung và hình thức thể hiện khá tốt; bám sát thực tiễn; phản ánh đúng và trúng các vấn đề của Hà Nội hiện nay trong phát triển văn hóa.

Năm nay, một số tác phẩm báo chí khai thác các vấn đề mới, có tính đa chiều về phát triển công nghiệp văn hóa. Có thể kể đến là tác phẩm truyền hình “Dấu ấn công nghiệp văn hóa Thủ đô” (Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam); “Hà Nội nỗ lực xây dựng thành phố sáng tạo” (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội); “Phát triển công nghiệp văn hóa: Không nói không, không nói khó…” (Báo Tuổi trẻ Thủ đô)…

Đặc biệt, vai trò của văn hóa trong dòng chảy lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển Thủ đô được nhiều cơ quan báo chí thể hiện nổi bật. Nhà báo Trần Hoàng Hoàng, đại diện nhóm tác giả loạt bài “70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa” chia sẻ, tác phẩm tập trung làm rõ đặc trưng, những ưu điểm tốt đẹp nhất của văn hóa và con người Hà Nội từ sau năm 1954; đồng thời, phân tích những khó khăn, thách thức trong việc giữ gìn giá trị văn hóa Hà Nội thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; nêu bật những nỗ lực của cấp ủy và chính quyền các cấp Hà Nội trong quyết tâm xây dựng văn hóa và con người Thủ đô thời đại mới. Theo nhà báo Trần Hoàng Hoàng, nhóm tác giả đã nhiều năm tích lũy tri thức về Hà Nội và dày công phỏng vấn các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà quản lý; trình bày loạt bài hấp dẫn, với nhiều hình ảnh, tư liệu quý trong và ngoài nước.

Báo Hànộimới tiếp tục chọn nhiều tác phẩm có sức lan tỏa và lượt đọc cao tham dự giải. Nhà báo Hoàng Lệ Quyên, đại diện nhóm tác giả loạt bài “Tạo “mã định danh” người Hà Nội” chia sẻ, người Hà Nội với phong cách thanh lịch, hòa nhã, tinh tế và được tiếp nối thêm sự văn minh, trở thành những “mã định danh” cho lối sống, cách nghĩ và phẩm giá của Thủ đô. Song, trước sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế và xã hội, làm thế nào để người Hà Nội có thể thích ứng và phát triển trong thời đại số mà không mất đi hồn cốt đã tạo dựng nghìn năm? Với những trăn trở đó, Ban Biên tập báo đã định hướng để nhóm tác giả thực hiện loạt bài dưới hình thức megastory với thể loại chính là tọa đàm, phỏng vấn, qua đó mong muốn tìm được câu trả lời nhằm góp sức tạo dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực người Hà Nội thời kỳ mới.

Có thể khẳng định, Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng nâng cao uy tín và sức lan tỏa, quy tụ được nhiều người làm báo tâm huyết góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024: Phát huy trí tuệ xây dựng Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.