Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt

Nguyễn Mạnh Quyền| 22/04/2015 06:53

(HNM) - Trong hệ thống quần thể di tích lịch sử, văn hóa của vùng xứ Đoài, Chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn (Quốc Oai) nổi lên như một điểm sáng.

Quần thể di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa có bề dày 1.000 năm này đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31-12-2014 công nhận Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá là di tích quốc gia đặc biệt và Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14-1-2015 công nhận bảo vật quốc gia bộ tượng Di Đà Tam Tôn. Và ngày mai 23-4 (tức ngày 5 tháng Ba âm lịch) lễ hội truyền thống Chùa Thầy sẽ chính thức khai hội năm 2015 cùng với buổi lễ trang trọng đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá; quyết định công nhận bảo vật quốc gia bộ tượng Di Đà Tam Tôn.

Thủy đình tại Chùa Thầy.


Kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Chùa Thầy có tên chữ là Thiên Phúc Tự, nằm gối đầu vào núi Phật Tích còn gọi là núi Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Chùa là một quần thể kiến trúc, gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, Chùa Cao, chùa Một Mái, chùa Bối Am, hang Cắc Cớ, hang Hút Gió…, tất cả các công trình kiến trúc này đều tọa lạc trên thế đất mà dân gian vẫn quen gọi là khu đất "hàm rồng". Theo các tư liệu lịch sử, Chùa Thầy được xây dựng từ thời Lý, trải qua thời gian, chùa nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên được giá trị đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật, về phong cảnh tự nhiên vốn có. Chùa còn là nơi lưu dấu ấn tu hành của vị cao tăng nổi tiếng thờ Lý - đó là thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ mang tên Hương Hải - am do thiền sư Từ Đạo Hạnh lập ra để tu tập, sau này mới xây thành chùa quy mô lớn. Trước cửa chùa có hồ nước rộng gọi là Long Trì (ao rồng), giữa hồ có nhà thủy đình - nơi biểu diễn múa rối nước - môn nghệ thuật dân gian đặc sắc của đất Việt. Hai bên hồ có hai chiếc cầu lợp mái theo kiểu thượng gia hạ kiều (trên là nhà dưới là cầu) ba nhịp có mái che, tôn thêm vẻ đẹp phía ngoài chùa. Chùa Thầy là ngôi chùa cổ xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo kiểu chữ Tam gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng chạy song song với nhau. Mọi kết cấu vì kèo, nghệ thuật chạm khắc của 3 dãy nhà này rất hòa nhập với nhau, tạo cho khách tham quan những cảm nhận khá rõ ràng về sự linh thiêng, gần gũi và từ bi của phật giáo. Đặc biệt, khu Tam bảo bao gồm cả tòa Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện gắn kết theo chữ "Công", hai bên là dãy hành lang dài nối gác chuông, gác trống, hậu cung tạo cho chùa một không gian thoáng đãng bên trong nhưng lại kín đáo bên ngoài. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, điểm đặc biệt hơn cả ở Chùa Thầy là Chùa Thượng có ý nghĩa như hậu cung mà hậu cung này ra đời sớm nhất nước ta. Không chỉ tuyệt đẹp về cảnh quan, độc đáo về kiến trúc mà nơi đây còn lưu giữ khối di vật đồ sộ, có niên đại trải dài từ thời Lý đến ngày nay, như: Bệ đá tòa sen lớn nhất Việt Nam; 2 cột và lưng ngai bằng gỗ thời Trần, cổ nhất Việt Nam; 36 pho tượng cổ, trong đó có bộ ba tượng Di Đà Tam Tôn cổ nhất Việt Nam, được công nhận là bảo vật quốc gia.

Chùa Thầy không chỉ là một di tích, danh thắng nổi tiếng, mà còn là di tích lịch sử cách mạng, cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Sơn Tây (cũ), nơi lưu dấu những kỷ niệm thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử Đảng bộ địa phương ghi lại, vào tối ngày 3-2-1947, Bác Hồ về nghỉ và làm việc tại ngôi nhà Tổ dưới chân chùa Một Mái nằm trong quần thể di tích Chùa Thầy. Từ đó đến đầu tháng 3-1947, khu vực chùa Một Mái trở thành sở chỉ huy của Trung ương để Bác Hồ lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây nhiều chủ trương và quyết định quan trọng của đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Hiện nay, trong Nhà lưu niệm Bác Hồ tại chùa Một Mái còn lưu lại nhiều kỷ vật của Người. Nhiều du khách trong và ngoài nước khi về tham quan thắng cảnh Chùa Thầy đã tới Nhà lưu niệm Bác Hồ để tìm hiểu lịch sử, cùng ôn lại truyền thống cách mạng bên các kỷ vật của Người.

Để luôn là điểm đến thân thiện, mến khách

Năm nào cũng vậy, cứ tới ngày mùng 5 tháng Ba âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về với lễ hội Chùa Thầy. "Đua Đăm, Rước Giá, Hội Thầy" trở thành tâm niệm của mỗi người dân xứ Đoài vào mùa xuân. Là lễ hội dân gian truyền thống khá lớn của vùng, nên phần lễ với những nghi thức trang trọng nhất luôn được ban tổ chức lễ hội quan tâm, chuẩn bị chu đáo, gồm những nghi lễ độc đáo, như: Lễ Mộc dục (tắm tượng), lễ nghinh bài vị đức thánh Từ Đạo Hạnh từ Chùa Thượng xuống Chùa Trung, lễ cúng yên vị, lễ tế, lễ rước… Còn phần hội tại lễ hội Chùa Thầy hằng năm luôn là một không gian sôi động, đa sắc màu với những trò chơi dân gian đặc sắc. Đặc biệt, Chùa Thầy thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, người được nhân dân coi là thủy tổ của nghệ thuật múa rối nước. Do vậy, các mùa lễ hội ở đây không thể thiếu các màn múa rối nước tại nhà Thủy đình với nhiều tích truyện dân gian: Chú Tễu, đi bừa, mèo đuổi chuột… do các nghệ nhân phường rối cổ truyền các tỉnh, thành phố trong cả nước tụ hội đến biểu diễn. Nhưng, bắt đầu từ mùa lễ hội năm 2015 này, các màn biểu diễn rối nước lần đầu tiên sẽ do chính những người dân trong xã Sài Sơn phục vụ du khách. Để có được đội ngũ này, từ hai năm trước, UBND xã Sài Sơn đã xây dựng kế hoạch, tuyển chọn được hơn 40 người dân để đưa đi tiếp thu vốn cổ về múa rối nước nhằm phục dựng môn nghệ thuật độc đáo này của địa phương. Như vậy, từ nay du khách đến với Chùa Thầy sẽ được xem biểu diễn múa rối thường xuyên, chứ không phải đợi đúng dịp khai hội mới có. Ngoài ra, nhiều hoạt động văn nghệ đặc sắc như hát Dô trên hồ Long Trì, hát chèo ở sân chùa, thi nặn tò he, chọi gà, đấu vật… cũng được tổ chức.

Với mục đích đưa Chùa Thầy trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh thân thiện, năm nào xã Sài Sơn cũng dành nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư cho công tác bảo vệ, tôn tạo, trồng cây làm đẹp thêm phong cảnh Chùa Thầy; đồng thời thành lập CLB môi trường Chùa Thầy với hơn 300 thành viên ở mọi lứa tuổi, tham gia làm vệ sinh môi trường hằng tuần. Cùng với đó, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo UBND xã Sài Sơn lắp đặt hệ thống camera giám sát trong khu vực Chùa Thầy để kịp thời phát hiện, xử lý những tình huống tiêu cực phát sinh; kiên quyết loại bỏ các hiện tượng mê tín, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch...

Để di tích quốc gia đặc biệt phát huy tốt hơn những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong thời gian tới, UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo thành lập Ban Quản lý di tích thuộc huyện nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Chùa Thầy. Khảo sát, lập dự án tu bổ, tôn tạo các hạng mục hiện đang xuống cấp; Thực hiện kế hoạch di dời các hộ dân dưới chân núi cạnh hồ Long Trì để bảo đảm cảnh quan, khuôn viên di tích; Tăng cường quảng bá hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt tới du khách trong và ngoài nước. Tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ tương lai; đồng thời vận động nhân dân địa phương cùng tham gia gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa… Với những nỗ lực đó, Chùa Thầy đã, đang và sẽ trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, thân thiện, mến khách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.