Huyện Quốc Oai là vùng đất cổ của xứ Đoài, có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, nghệ thuật độc đáo, đậm đặc di tích lịch sử, công trình kiến trúc, nhất là Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và đình So.
Tiềm năng lớn nhưng để du lịch Quốc Oai phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần một “cú hích” đủ mạnh.
Những điểm đến hấp dẫn du khách
Quốc Oai có lợi thế địa hình bán sơn địa, đồng bằng xen lẫn đồi núi và nhiều thắng cảnh đẹp - là món quà thiên nhiên ban tặng để huyện phát triển các loại hình du lịch. Nơi đây còn là cái nôi của văn hóa xứ Đoài, có bề dày lịch sử, với 220 di tích, kiến trúc, nghệ thuật cổ, trong đó giá trị văn hóa độc đáo nhất là Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (xã Sài Sơn) và đình So (xã Cộng Hòa).
Trong đó, chùa Thầy gắn liền với tên tuổi và cuộc đời của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1117) - vị tổ sư thứ 24 của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, với nhiều tên gọi, như “Hương Hải Am”, “Bồ Đề Viện”, “Phật Tích”... Đây còn là một quần thể di tích kết hợp với cảnh quan của những ngọn núi thấp ở giữa vùng đồng bằng trù phú, tạo nên một diện mạo linh thiêng mà kỳ vĩ, gồm 3 cụm điểm: Khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách. Đặc biệt, chùa Một Mái trong Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy còn là nơi Bác Hồ về ở, làm việc và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ ngày 3-2-1947 đến đầu tháng 3-1947.
Tiếp đến là Di tích quốc gia đặc biệt đình So (xã Cộng Hòa). Nơi đây được mệnh danh là “đệ nhất đình Đoài” với những giá trị mỹ thuật độc đáo. Ngôi đình duy nhất được vua Đinh Tiên Hoàng sắc phong là “Vạn cổ anh linh”.
Chị Nguyễn Thu Hằng (quận Hoàn Kiếm) đến thăm đình So chia sẻ, ngôi đình cổ còn giữ được vẹn nguyên những kiệt tác của kiến trúc và điêu khắc từ thế kỷ XVII; kiến trúc, nghệ thuật cổ kính chẳng khác gì một thắng tích cung điện nhỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, di tích này chưa được quan tâm phát triển thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, rất lãng phí.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam cho biết, ngoài hai di tích quốc gia đặc biệt, trên địa bàn huyện còn có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, như nghệ thuật tuồng Dương Cốc (xã Đồng Quang); chèo Đại Thành, hát Dô Liệp Tuyết, múa rối nước Sài Sơn, văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường, xã Phú Mãn, xã Đông Xuân đều có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch...
Điểm nhấn ở Quốc Oai hiện nay là tổ hợp khu du lịch, sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn du khách khi được thưởng thức chương trình biểu diễn cá heo, hải cẩu, tham gia chợ quê và đặc biệt là show diễn thực cảnh: “Tinh hoa Bắc Bộ”. Chương trình biểu diễn được dàn dựng công phu với nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm nét dân gian truyền thống, trình diễn theo phong cách hiện đại, mang đến cho du khách những ấn tượng sâu sắc về văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, mặc dù có đầy đủ điều kiện để phát triển các loại hình du lịch, nhưng đến nay, huyện chưa xây dựng được các tour - tuyến và gắn kết các di tích lịch sử thành điểm đến hấp dẫn. Hiện tại, mới thu hút được khách đến tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và Khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội. Song, lượng khách đến tham quan chưa tương xứng với tiềm năng, đạt khoảng 300 - 320 nghìn lượt người/năm...
Thực hiện đồng bộ giải pháp
Để phát huy hết lợi thế, tiềm năng du lịch, xây dựng thành điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, thời gian qua, huyện Quốc Oai đã tích cực tổ chức chương trình tọa đàm nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch, mở lớp tập huấn phát triển du lịch cộng đồng cho người dân bản địa. Đồng thời, huyện đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng xanh, có trách nhiệm và bền vững. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội khảo sát, đánh giá tiềm năng để xây dựng đề án phát triển.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, để hỗ trợ huyện Quốc Oai nâng cấp sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn du khách, thời gian tới, Sở tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát những điểm đến mới ở địa phương này. Sau đó kết nối các đơn vị lữ hành với địa phương để xây dựng sản phẩm liên kết, tạo hiệu quả trong việc thu hút khách trong nước và quốc tế lưu trú tại Hà Nội đến với Quốc Oai. Tuy nhiên, để kéo được khách du lịch về tham quan, nghỉ dưỡng, huyện Quốc Oai cần tạo ra “cú hích” để đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây. Huyện cần chủ động làm mới sản phẩm, đầu tư nguồn lực để chỉnh trang, cải tạo, tu bổ di tích, xây dựng các tour - tuyến du lịch và tăng cường quảng bá trên các kênh thông tin và nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, để giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, huyện đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quốc Oai nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Do đó, định hướng của huyện là phát triển sản phẩm du lịch dựa vào tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực và tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.
Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Quốc Oai ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch thu hút khách du lịch về địa phương. Huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; chủ động xây dựng bản đồ số du lịch cho du khách và người dân thông qua hệ thống website, app với các tiện ích; cung cấp đa dạng tính năng, thông tin du lịch của huyện, đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng với đó, huyện đổi mới mô hình quầy thông tin hỗ trợ khách du lịch trên địa bàn, mở rộng các điểm phát wifi miễn phí, triển khai các bảng điện tử tương tác, camera kỹ thuật số và thiết bị để cung cấp đầy đủ thông tin cho du khách. Đặc biệt, huyện cũng mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện vào xây dựng các sản phẩm du lịch, tour mới, như du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch homestay để thu hút du khách đến với Quốc Oai.
“Với tiềm năng lớn và triển khai nhiều chính sách phát triển, chúng tôi tin rằng hoạt động du lịch của huyện sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Khi đó, lượng khách đến với Quốc Oai không chỉ dừng lại ở con số 320 nghìn lượt khách mỗi năm như hiện nay, mà tăng lên 1 triệu lượt khách một năm trong giai đoạn 2025 - 2030” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trường Sơn khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.