Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xung quanh việc phẫu thuật nhầm đối với bệnh nhân Ramio Jean ở bệnh viện Việt - Pháp HN

TRONGQUANG| 16/05/2006 22:58

Một khu điều trị của BV Việt - Pháp Hà Nội. Ảnh: T.Q(HNMĐT)

– Như Hànộimới Điện tử đã đưa tin về trường hợp “Đau sỏi mật, mổ dạ dày” đối với bệnh nhân Ramio Jean ở Bệnh viện Việt - Pháp. Sau khi điều tra, xem xét cả hai chiều về vụ việc này, chúng tôi thấy có nhiều cơ sở để khẳng định rằng: Bệnh Viện Việt Pháp đã không nhầm trong phẫu thuật.

Theo đơn của bà Phạm Thị Hồng Phương, vợ ông Ramio Jean , thì ngày 2/4 chồng bà là ông Ramio Jean, quốc tịch Pháp bị đau bụng và được cấp cứu tại bệnh viện Việt – Pháp. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán chồng bà bị sỏi mật, nhưng khi phẫu thuật lại mổ viêm loét dạ dày(!?). Mặt khác, khi phẫu thuật dạ dày lại không hề thông báo cho người nhà bệnh nhân biết... Thanh tra Bộ Y tế cũng đã vào cuộc và yêu cầu bệnh viện Việt Pháp giải trình toàn bộ sự việc, tiến hành xem xét toàn bộ hồ sơ bệnh án, cũng như quá trình điều trị để làm rõ trách nhiệm của bệnh viện đối với tình trạng sức khỏe bệnh nhân…

Trước sự việc phức tạp trên, ngày 12/5 chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp với Phó giáo sư, tiến sĩ Văn Bản, Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Theo ông Võ Văn Bản, bệnh viện đã làm hết sức, cũng như hết khả năng chuyên môn của mình để chữa trị cho bệnh nhân Ramio Jean. Cho đến nay, có thể khẳng định rằng, bệnh viện Việt Pháp không mắc sai sót gì về chuyên môn, cũng như về mặt pháp lý đối với trường hợp của bệnh nhân Ramio Jean. Tuy rằng, tới nay phía gia đình bệnh nhân vẫn chưa thanh toán số tiền điều trị và nằm viện khá lớn đợt II cho bệnh viện, nhưng các bác sĩ vẫn tiếp tục tận tình cứu chữa cho người bệnh, và đến này sức khoẻ của ông Ramio Jean đã khá lên.

Về trường hợp không mổ sỏi mật, PGS. TS Võ Văn Bản cho biết: Trước khi phẫu thuật bệnh nhân được siêu âm, chẩn đoán lâm sàng và chỉ định mổ viêm túi mật cấp trong thể trạng hoàn toàn tỉnh táo. Bác sĩ phẫu thuật người Pháp Stephane Barcet đã trao đổi trực tiếp với bệnh nhân, và sau đó người bệnh đã đồng ý ký vào biên bản theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến 11 h trưa ngày 3/4/2006, khi mở ổ bụng của ông Ramio Jean, kíp mổ (gồm bác sĩ Stephane Barcetvà bác sĩ Bùi Trung) phát hiện ra rằng, bệnh nhân đã bị viêm phúc mạc do thủng ổ loét mặt trước hành tá tràng (lỗ thủng này đã được bịt bởi mặt dưới của gan, cũng như của một phần túi mật). Đó là nguyên nhân mà khi siêu âm và chụp bụng không chuẩn bị không phát hiện ra được lỗ thủng này, nhưng chính lỗ thủng đó lại là nguyên nhân cơ bản gây ra viêm phúc mạc và đau bụng cấp cho bệnh nhân. Túi mật tuy có sỏi (to 2,2cm), nhưng chưa phải là nguyên nhân gây nên tình trạng đau bụng cho người bệnh. Việc xử lý lúc đó của các phẫu thuật viên là phải khâu lỗ thủng mặt trước hành tá tràng (chứ không phải cắt dạ dày), rửa sạch ổ bụng và đặt ống dẫn lưu, thực hiện đúng theo y đức của người thầy thuốc là tìm mọi cách chữa bệnh, cứu người.

PGS. TS Hà Văn Quyết (ảnh của BV Việt - Đức, HN)

Do bệnh nhân Ramio Jean là người tuổi cao, sức yếu (79 tuổi), lại có tiền sử xơ gan, nghiện rượu cùng nhiều bệnh lý kết hợp khác nên kíp mổ đã quyết định chưa mổ sỏi mật để tránh nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân. Sau mổ bệnh nhân không sốt, tiêu hoá tốt, vết mổ chưa liền hoàn toàn, nhưng bệnh nhân đã ăn nhẹ được… Như vậy việc xử lý của các bác sĩ bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội trong trường hợp đó là hoàn toàn hợp lý.Điều này đã được khẳng định khá chắc chắn bởi ý kiến hội chẩn của PGS. TS Hà Văn Quyết (Khoa ngoại bụng – BV Việt Đức) ngày 26/4 mới đây. Cụ thể là: Chỉ định mổ hợp lý, kịp thời; Xác định rõ tổn thương là thủng ổ loét. Việc xử lý, khâu lỗ thủng, lau rửa ổ bụng… là hoàn toàn đúng; Sau mổ, bệnh nhân ăn được, lưu thông tiêu hoá được là tốt. Ra viện tiếp tục điều trị do nhiễm trùng vết mổ. Nhận xét hiện tại không có áp xe trong ổ bụng, không có dấu hiệu tắc ruột, vết mổ còn ướt. Tiếp tục cần thay băng, điều trị bảo tồn, không có chỉ định can thiệp lại…

Về tình trạng thiếu tỉnh táo của bệnh nhân sau mổ đã được giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thụ (Khoa gây mê, hồi sức BV Việt Đức) kết luận: Đó là hội chứng lú lẫn sau mổ trên bệnh nhân già gần 80 tuổi và nghiện rượu…

Theo yêu cầu của vợ bệnh nhân, chị Phạm Thị Hồng Phương, trước đó, ngày 11/4 bệnh viện Việt Pháp đã liên hệ với BV Tràng An để chuyển bệnh nhân Ramio Jean sang đó điều trị cho rẻ hơn, hợp với điều kiện kinh tế của gia đình bệnh nhân. Nhưng sau đó Tràng An không nhận nên BV Việt Pháp tiếp tục điều trị. Ngày 14/4/06, bệnh nhân xin ra ngoại trú. Trước khi cho người bệnh ra ngoại trú, bệnh viện cũng đã thực hiện kiểm tra các xét nghiệm và thấy tình trạng bệnh nhân trong giới hạn cho phép ra viên điều trị ngoại trú được nên đã cho xuất viện về điều trị ngoại trú. Các bác sĩ cũng đã hướng dẫn tỷ mỷ người nhà cách chăm sóc, cho bệnh nhân ăn, uống, cũng như dẫn lưu nước tiểu. Tuy nhiên, sau đó 5 ngày bệnh nhân đã phải trở lại viện trong tình trạng không được tỉnh táo, ho và có dấu hiệu mất nước… Tình trạng sức khoẻ xấu đi như vậy của bệnh nhân, theo GS.TS Võ Văn Bản, là do các bệnh lý nội khoa, chứ không hề liên quan tới ca phẫu thuật. Bằng chứng là sau khi được điều trị tích cực, sức khoẻ của bệnh nhân đã khá lên rõ rệt (hết sốt và tiêu hoá tốt hơn).

Một phòng điều trị bệnh nhân tại BV Việt Pháp (ảnh minh họa)

Liên quan tới việc bệnh viện Việt Pháp có vi phạm luật vì không hỏi ý kiến người nhà bệnh nhân trước khi phẫu thuật hay không? – Ông Võ Văn Bản đã đưa cho chúng tôi cuốn bộ luật “Bảo vệ sức khoẻ nhân dân” hiện hành, đã được QH thông qua tháng 7/1989. Trong đó, tại điều 28, chương IV, đã ghi rõ: “ Thầy thuốc chỉ tiến hành phẫu thuật sau khi được sự đồng ý của người bệnh. Đối với người bệnh chưa thành niên, người bệnh đang bị hôn mê, hay mắc bệnh tâm thần thì phải được sự đồng ý của thân nhân, hoặc người giám hộ của người bệnh…” (trích điều 28, chương IV, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân). Như vậy thì về luật pháp, rõ ràng là BV Việt Pháp không sai, bởi trước khi phẫu thuật ông Ramio Jean hoàn toàn tỉnh táo, có thể trao đổi trực tiếp bằng tiếng pháp với bác sĩ sẽ mổ cho mình. Do vậy chỉ cần một mình ông Ramio Jean ký vào biên bản đồng ý là đủ. Ngoài ra, Quy chế Bệnh viện của Bộ Y tế, ban hành kèm theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 1895/1997/BYT-QD, ngày 19/9/1997), nói về An toàn phẫu thuật cũng đề rõ: Chỉ tiến hành phẫu thuật khi đã có giấy cam đoan xin phẫu thuật của người bệnh, hoặc gia đình người bệnh...

Sự việc trên chắc chắn sẽ còn được các cơ quan chức năng, chuyên môn và thanh tra Bộ Y tế tiếp tục làm rõ và sẽ có kết luận đúng, sai rõ ràng.

Quang Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Xung quanh việc phẫu thuật nhầm đối với bệnh nhân Ramio Jean ở bệnh viện Việt - Pháp HN

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.