Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xung lực mới trong kỷ nguyên hội nhập

Đình Hiệp| 02/09/2016 06:51

(HNM) - Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội dưới hình thức hợp tác công tư. Ảnh: Vũ Long


Nhớ lại những ngày này cách đây 71 năm, chúng ta càng thêm tự hào về cuộc Cách mạng mùa Thu, càng nhận rõ hơn những giá trị lịch sử, để kiên định đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Từ Chính phủ kháng chiến, kiến quốc đến Chính phủ kiến tạo phát triển là những dặm dài hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

1. Ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đã công bố danh sách Chính phủ lâm thời Việt Nam DCCH. Sau đó không lâu, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam DCCH đã được tổ chức thắng lợi vào ngày 6-1-1946 trong điều kiện cả nước đang chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp. Quốc hội cử ra Chính phủ chính thức gồm 22 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Đây là Chính phủ kháng chiến và kiến quốc. Có thể đặt câu hỏi: “Kiến tạo” trong điều kiện phát triển mới mà ngày nay chúng ta đang nói có phải là sự cụ thể hóa của “kiến quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc tới?

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam đã được củng cố và hoàn thiện, thật sự là công cụ quyền lực của nhân dân, vì lợi ích và nguyện vọng của toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân”.

Chính phủ kiến tạo lấy mục đích là "phụng sự cho lợi ích của nhân dân" làm mục tiêu. “Chính phủ kiến tạo” ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng bộ máy nhân lực, phương cách quản lý thích hợp để kiến tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm năng phát triển. Do vậy, có thể nói “Chính phủ kiến tạo” có nội hàm xuất phát từ bản chất của “Nhà nước công nông”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi khai sinh - Nhà nước Việt Nam DCCH.

2. Trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, việc xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo” vừa là yêu cầu thực tế, vừa là tất yếu của sự phát triển.

Phiên họp thường kỳ đầu tiên (tháng 4-2016) của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính”. Theo đó, mục tiêu Chính phủ hướng tới là kiến tạo, phục vụ. Chính phủ không làm thay doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội mà chỉ tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ của Chính phủ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phục vụ tốt nhất các yêu cầu trong quá trình phát triển doanh nghiệp.

Điều kiện tiên quyết để xây dựng Chính phủ kiến tạo là phải có đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia hoạch định chiến lược tài giỏi, tận tụy và tâm huyết với sự phát triển của đất nước, luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng của “Nhà nước kiến tạo” là nâng cao chất lượng thể chế.

3. Xây dựng một xã hội năng động, cởi mở, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới đòi hỏi chúng ta phải có một Nhà nước mạnh. Muốn vậy không có con đường nào khác là phải cải cách hoạt động của Chính phủ, giải quyết những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống với mục tiêu rõ ràng, chương trình cụ thể, cách nhìn mới, tư duy mới và phong cách hành động mới. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu rõ các giải pháp tạo "đột phá" trong xây dựng “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”:

Trước hết, triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch năm 2016, Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành năm 2016.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu.

Thứ tư, thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Chủ động khai thác các cơ hội, thuận lợi, hạn chế những tác động bất lợi từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU),...

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội dưới các hình thức hợp tác công tư (PPP) phù hợp.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, sử dụng các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Đất nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Vì thế, cần phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực vì lợi ích quốc gia dân tộc, để phát triển nhanh và bền vững, có vị trí ngày càng cao trên trường quốc tế. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ là xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”.

Xây dựng thành công “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân” sẽ tạo nên xung lực mới để Việt Nam vững bước đi lên trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế! 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xung lực mới trong kỷ nguyên hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.