Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xung kích cưới theo nếp sống mới

Việt Tuấn| 28/10/2012 06:54

(HNM) - Cần phải làm chuyển biến nhận thức, thay đổi thói quen, cách nghĩ "đông là vui", "làm nhiều, dóc cỗ", "cả đời mới có một lần không nên úi xùi"… thì Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội mới thực sự đi vào đời sống. Đây là mong muốn của đội ngũ cán bộ trẻ đang công tác tại cơ quan Thành đoàn Hà Nội và chính họ đang động viên nhau đi tiên phong.

Rất nhiều cán bộ trẻ đang công tác tại các ban phong trào của Thành đoàn Hà Nội hưởng ứng và ủng hộ các nội dung của Chỉ thị 11. Bởi thực tế, tổ chức tiệc cưới linh đình rất tốn kém, không ít trường hợp đôi vợ chồng trẻ phải nai lưng đi làm cả năm trời để trả nợ sau cưới. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội cho rằng, cán bộ Đoàn phải đi tiên phong, rồi từng bước vận động, thuyết phục. "Mùa cưới cuối năm 2012, Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội sẽ có ít nhất một đám cưới theo nếp sống mới đúng như tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội" - quyền Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết.

Cưới tập thể là thiết thực hưởng ứng chỉ thị về tổ chức cưới theo nếp sống mới của tuổi trẻ Thủ đô. Ảnh: Nhật Anh


Xung kích đi đầu trong vấn đề này nên ngay sau khi có Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội, đại diện 4 khối thanh niên đô thị, thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân viên chức và thanh niên khối trường học thuộc Thành đoàn Hà Nội đã ký cam kết thực hiện Chỉ thị gắn với cuộc vận động "Tôi yêu Hà Nội". Trong 4 nội dung ký kết, thì nội dung "Không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp... Khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc cưới" được các bạn trẻ hưởng ứng.

Tuy nhiên, với nhiều bạn trẻ vẫn còn những băn khoăn, lo lắng khi tổ chức cưới đơn giản, tiết kiệm chưa thành phong trào chung, riêng mình làm sẽ bị bạn bè dị nghị, người thân trách móc là không chu đáo… thì lễ cưới kém vui. Theo đoàn viên Nguyễn Thị Xuân (Thành đoàn Hà Nội), vấn đề quan trọng người trẻ chúng em khó mà quyết định, bởi bạn bè của cô dâu, chú rể thường chỉ 3 đến 5 mâm, nhưng khách của bố mẹ mới là vấn đề. Có gia đình đông họ hàng, đến 400-500 người thì biết tính sao? Vận động thế nào? Vì vấn đề cưới xin là người lớn tổ chức cho con trẻ; bao nhiêu năm đi ăn cỗ cưới của họ hàng, nay có đứa con lấy vợ, gả chồng lại không chu đáo sao được? Cách nghĩ này có ở hầu hết những người lớn tuổi trong gia đình, nên tuyên truyền, vận động cũng thấy khó.

Theo thống kê, cơ quan Thành đoàn Hà Nội có hơn 300 cán bộ, đoàn viên, nhân viên (cả các đơn vị cấp 2), trong đó có hơn 60% người trẻ. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho rằng, ngoài vận động người lớn tuổi, thì mỗi cán bộ Đoàn cần xung kích tuyên truyền, vận động bạn chưa có gia đình cưới theo nếp sống mới. Khi lập gia đình thì chính bản thân cán bộ Đoàn phải gương mẫu đi đầu góp phần tạo thành phong trào chung. Một ý tưởng mới của Thành đoàn, Hội LHTN TP Hà Nội ngay sau khi có Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội, đó là sẽ phối hợp với LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức lễ cưới tập thể theo nếp sống mới cho thanh niên công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, chủ trương này được thực hiện từ năm 2013. Từ nay đến hết năm 2012, Thành đoàn, Hội LHTN TP xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình phối hợp, tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu của thanh niên trong khu vực này. Nếu ý tưởng này sớm triển khai sẽ giúp thanh niên công nhân giảm gánh nặng nợ nần sau cưới, giúp họ nên duyên vợ chồng, vừa vui, ý nghĩa mà ít tốn kém.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng, Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội ban hành thời điểm chuẩn bị đến mùa cưới 2012 rất trúng, phù hợp. Tại đợt phát động cao điểm phong trào "Tôi yêu Hà Nội" chào mừng Đại hội Đoàn TP Hà Nội lần thứ XIV, Thành đoàn Hà Nội đã kêu gọi, vận động mỗi ĐVTN hưởng ứng, thực hiện chủ trương. Đây cũng là hành động thể hiện tình yêu, nét văn hóa của người Hà Nội. Nhưng để hiệu quả, mỗi cán bộ Đoàn, đảng viên trẻ cần gương mẫu đi trước để ĐVTN học tập. Ngoài tuyên truyền, vận động thì cũng cần có chế tài xử lý đối với đảng viên, cán bộ công chức vi phạm. Thành đoàn Hà Nội sẽ xây dựng quy định xử lý vi phạm khi tổ chức linh đình, tốn kém, gây bức xúc trong dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung kích cưới theo nếp sống mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.