(HNM) - Xung đột tại Sudan đang có nguy cơ leo thang thành một cuộc nội chiến toàn diện sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và các lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) hết hiệu lực vào đêm 3-6. Dù nhiều cường quốc trên thế giới nỗ lực kêu gọi hai bên quay trở lại bàn đàm phán, song giao tranh liên tiếp diễn ra khiến cộng đồng quốc tế lo ngại Sudan sẽ trở thành “thùng thuốc súng” gây bất ổn cho khu vực.
Theo thông tin từ Sudan ngày 5-6, số vụ đụng độ xảy ra tại các khu vực thuộc thủ đô Khartoum tăng nhanh trong 2 ngày qua, sau đó lan rộng tới bang Bắc Darfur, làm ít nhất 40 người thiệt mạng. Một máy bay quân sự đã rơi xuống vùng Omdurman, một trong 3 thành phố gần sông Nile. Giao tranh liên tiếp diễn ra dẫn đến thiệt hại trên diện rộng, nguồn cung cấp thực phẩm cạn kiệt và sự sụp đổ của các dịch vụ y tế, cơ sở cung cấp điện và nước.
Xét trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà bình luận nhận định, cuộc xung đột tại nước này khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn. Bởi trên thực tế, đây là cuộc đối đầu giữa hai vị tướng từng hiểu rõ về nhau và có tương quan lực lượng tương đương. Nhiều năm qua, SAF nằm dưới quyền chỉ huy của ông Abdel Fattah Burhan, Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC), trong khi đó Phó Chủ tịch TMC Mohammed Hamdan Dagalo đứng đầu RSF. Mâu thuẫn bùng phát thành giao tranh vũ trang từ ngày 15-4, khi hai vị tướng này đang cố gắng đàm phán để thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Việc ông Abdel Fattah Burhan bày tỏ ý định sáp nhập RSF vào SAF được cho là động thái đe dọa quyền lực đối với ông Mohammed Hamdan Dagalo.
Về lý thuyết, việc giải giáp và sáp nhập RSF vào SAF để hình thành nên quân đội thống nhất và triển khai quá trình hiện đại hóa là cách tiếp cận được nhiều quốc gia ủng hộ. Tuy nhiên, các địa phương ở Sudan không phải là một khối thống nhất mà là “sân khấu” của nhiều nhóm vũ trang tự trị. Mỗi nhóm đều quyết giành được “phần bánh” to nhất, giữ thế an toàn trước các đòn tấn công của đối thủ. Do vậy, việc sáp nhập RSF vào SAF không được các tay súng RSF đồng tình. Cuộc xung đột ngày 15-4 vừa qua được coi như “giọt nước tràn ly” trong mối quan hệ “bằng mặt, không bằng lòng” giữa hai vị tướng.
Do sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ xuất khẩu vàng từ các mỏ khai thác bất hợp pháp và chỉ huy hàng chục nghìn chiến binh thiện chiến, Tướng Dagalo từ lâu đã tỏ ra khó chịu khi chỉ là cấp phó của ông Burhan. Quân số RSF lên tới khoảng 100.000 binh sĩ. Các đơn vị của Tướng Dagalo đều thuộc nhóm thiện chiến, có kỷ luật và đã kinh qua nhiều cuộc xung đột. Tướng Dagalo còn là người khéo léo trong ứng xử với các nhà lãnh đạo địa phương, thủ lĩnh phiến quân. Tướng Dagalo đã thiết lập quan hệ với một số quốc gia trong khu vực khi đưa RSF tham chiến ở Yemen nhân danh Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE); kết nối với Tướng Khalifa Hafta - người đứng đầu quân đội quốc gia Libya.
Sức mạnh quân sự của Tướng Abdel Fattah Burhan cũng đáng nể. SAF là một đội quân chính quy với khoảng 110.000 binh sĩ, bao gồm cả không quân Sudan. Giới sĩ quan điều hành SAF phần lớn xuất phát từ hàng ngũ tinh anh. Nền tảng sức mạnh của Tướng Abdel Fattah Burhan còn nằm ở các nhóm lợi ích quân đội và doanh nghiệp, vốn được đồn thổi là “nhà nước ngầm” tại Sudan. Đó là mạng lưới các công ty, ngân hàng, tập đoàn viễn thông cho tới các doanh nghiệp quân đội hoạt động trong lĩnh vực chế tạo vũ khí, xây dựng, vận tải.
Dù Mỹ và Saudi Arabia cùng nhiều quốc gia trong khu vực đang nỗ lực đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán, song mâu thuẫn rất khó có thể giải quyết bởi tình huống tại Sudan hiện nay là câu chuyện “một núi, hai hổ”. Dư luận quốc tế cho rằng, cuộc xung đột này mới chỉ là vòng khởi động của một cuộc nội chiến có thể kéo theo những hậu quả nặng nề cho cả khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.