Điểm nóng

Xung đột biển Đỏ leo thang:Tìm tiếng nói chung hóa giải căng thẳng

Hoàng Linh 06/03/2024 - 07:29

Diễn biến phức tạp trên biển Đỏ đã gia tăng áp lực lên không chỉ hoạt động thương mại toàn cầu, mà bắt đầu ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác của đời sống, xã hội quốc tế. Do đó, việc tháo gỡ các nút thắt để các bên liên quan sớm tìm được tiếng nói chung, hóa giải căng thẳng đang trở nên cấp bách.

chim-tau.gif
Tàu hàng Rubymar đã chìm sau khi trúng tên lửa của Houthis.

Trong diễn biến mới nhất, cáp thuộc bốn mạng viễn thông lớn đi qua biển Đỏ đã bị đứt gãy gây gián đoạn internet và kết nối viễn thông toàn cầu. Theo Hãng tin Globes (Israel), Houthis đứng sau vụ việc, tuy nhiên, lãnh đạo lực lượng này bác bỏ các cáo buộc, khẳng định không có ý định nhắm vào các tuyến cáp biển cung cấp internet. Thay vào đó, Houthis cho rằng, quân đội Anh và Mỹ hoạt động trong khu vực phải chịu trách nhiệm. Dù nguyên nhân của vụ việc còn chưa ngã ngũ, nhưng sự cố này đã để lại hậu quả rõ rệt.

Biển Đỏ hiện có 14 tuyến cáp viễn thông chạy qua, đáp ứng khoảng 90% lưu lượng thông tin liên lạc giữa châu Âu và châu Á. HGC Global Communications (Hồng Kông, Trung Quốc) cho biết, trong số các hệ thống cáp bị ảnh hưởng có tuyến châu Á - châu Phi - châu Âu 1, dài 25.000km nối Đông Nam Á với châu Âu qua Ai Cập. Cổng châu Âu - Ấn Độ (EIG) cũng ghi nhận hư hại. HGC ước tính, khoảng 25% lưu lượng dữ liệu - trong đó có internet - giữa châu Á và châu Âu cũng như Trung Đông bị ảnh hưởng. Để ứng phó, các đơn vị liên quan đang phải định tuyến lại luồng dữ liệu để giảm thiểu sự gián đoạn, song song với việc xúc tiến các biện pháp hỗ trợ khác.

Tờ The Washington Post dẫn thông tin từ Seacom (Nam Phi), đơn vị sở hữu một trong những hệ thống cáp bị ảnh hưởng cho biết, khu vực bị đứt cáp thuộc phạm vi quyền tài phán hàng hải của Yemen trên biển Đỏ, đồng thời dự báo việc sửa chữa sẽ chưa thể bắt đầu ít nhất trong một tháng nữa, một phần vì thời gian chờ để có đủ các giấy phép hoạt động trong khu vực. Trong bối cảnh các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn, việc khắc phục được dự báo còn có thể sẽ kéo dài hơn nữa. Thiệt hại cho các mạng lưới dưới biển này có thể gây ra sự cố mất internet và kết nối viễn thông trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu.

Diễn biến mới nảy sinh trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đỏ tiếp tục đè nặng lên giao thương toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng và các hoạt động xuất khẩu.

Theo Chủ tịch Cơ quan quản lý Kênh đào Suez của Ai Cập (SCA) Osama Rabie, giá cước vận chuyển đã tăng mạnh, đặt ra những thách thức chưa từng có đối với ngành hàng hải quốc tế nói chung và hoạt động vận chuyển qua Kênh đào Suez nói riêng. Theo đó, giá cước vận chuyển đến các cảng ở biển Đỏ đầu tháng 3-2024 đã tăng lên 6.800 USD/container (từ mức 750 USD/container ghi nhận trước thời điểm xảy ra xung đột), chưa kể chi phí nhiên liệu và bảo hiểm cũng tăng cao.

Dữ liệu từ nền tảng PortWatch của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết, khối lượng vận chuyển hàng hóa qua Kênh đào Suez trong tháng 2-2024 đã giảm khoảng 55% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng tàu quá cảnh qua Kênh đào Suez trong tháng 1-2024 chỉ đạt 1.362 tàu, giảm 36% so với tháng 1-2023. Trong khi đó, khối lượng vận chuyển quanh Mũi Hảo Vọng tăng gần 75%, do các cuộc tấn công của lực lượng Houthis tại Yemen nhằm vào các tàu thương mại ở biển Đỏ, khiến các công ty vận tải biển chủ chốt phải chuyển hướng khỏi tuyến hàng hải quan trọng này.

Bên cạnh yếu tố thương mại, xung đột trên biển Đỏ kéo dài cũng tạo ra áp lực lớn về môi trường do rò rỉ dầu và các hóa chất độc hại khác từ những tàu hàng bị tấn công. Đầu tháng 3 mới đây, việc tàu hàng Rubymar (quốc tịch Anh) chở theo 21.000 tấn phân bón bị chìm càng gia tăng áp lực và lo âu, khi vệt dầu loang tới nay đã kéo dài gần 30km. Chính phủ Yemen đã phát đi cảnh báo về môi trường, nhấn mạnh sự quan ngại về những thảm họa môi trường trên biển Đỏ mà các quốc gia trong khu vực chưa từng hứng chịu từ trước tới nay. Trong khi đó, các chuyên gia môi trường kêu gọi một kế hoạch khẩn cấp nhằm đánh giá các vùng ô nhiễm và tiến hành các chiến dịch dọn dẹp. Dĩ nhiên, công tác này sẽ đòi hỏi đáng kể về nguồn lực, thời gian và tiền bạc.

Trong bối cảnh giao tranh và những cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền trên biển Đỏ chưa có dấu hiệu thuyên giảm, những tác động về mọi mặt đối với đời sống toàn cầu ngày càng hiển hiện. Để tránh những tác động dài hạn không mong muốn, các bên liên quan cần kiềm chế, sớm có những động thái giảm nhiệt căng thẳng, tìm kiếm tiếng nói chung thông qua đàm phán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung đột biển Đỏ leo thang: Tìm tiếng nói chung hóa giải căng thẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.