(HNM) - Nhiều tờ báo vừa đăng thông tin, có cả ảnh kèm theo, phản ánh tình trạng một số đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh trong cuộc họp của HĐND không chú ý tới chương trình nghị sự mà tập trung vào chơi games trên điện thoại.
Sau khi báo chí nêu, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đã thẳng thắn thừa nhận tình trạng trên và đề nghị cần có biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng các kỳ họp HĐND của thành phố.
Thái độ tiếp thu phê bình của người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương tại TP Hồ Chí Minh rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đáng nói là tình trạng như báo chí vừa nêu, hay những hiện tượng tương tự, không chỉ là chuyện của TP Hồ Chí Minh mà gần đây đã xuất hiện ở một số địa phương khác.
Quan sát các kỳ họp HĐND ở các địa phương, thậm chí ngay cả trên diễn đàn Quốc hội (QH), không khó để nhận thấy một thực tế là những phiên họp có đại biểu tham dự kín hội trường thường là phiên khai mạc và bế mạc, hoặc có chăng là những phiên họp có nội dung quan trọng, liên quan đến các vấn đề "nóng", thiết thực với địa phương. Các phiên họp khác thường không đủ số đại biểu tham dự, có người thường xuyên vắng mặt, có người chỉ đến vài ba buổi, tuy nhiên những trường hợp này chỉ bị chủ tọa nhắc nhở, phê bình chung chung. Có thể thông cảm với những đại biểu vắng mặt bởi phần lớn họ đều là kiêm nhiệm, nhiều người còn giữ các chức danh lãnh đạo tại ngành hoặc địa phương nên công việc bận rộn, vả lại Luật Tổ chức HĐND hay Luật Tổ chức QH cũng không quy định một đại biểu phải dành bao nhiêu thời gian cho mỗi kỳ họp…
Song sự thể không chỉ có vậy. Ngoài chuyện vắng mặt thì tình trạng các "nghị viên" làm việc riêng, cụ thể như chơi games, đọc báo, thậm chí cả… ngủ gật tại nghị trường cũng không còn là hiện tượng cá biệt. Rõ ràng, những đại biểu này không những thiếu trách nhiệm với nhiệm vụ của mình mà còn thể hiện thái độ vô tâm, thờ ơ với hiện thực cuộc sống - được cụ thể hóa qua những vấn đề dân sinh được bàn thảo trong chương trình nghị sự. Nói thẳng thì những đại biểu đó chưa xứng đáng với sự tin tưởng, gửi gắm của nhân dân. Cũng có thể lý giải là do nội dung nhiều buổi họp chậm được cải tiến, nhiều vấn đề không thiết thực, hoặc do trình độ của đại biểu hạn chế, không hiểu hoặc xa lạ với những vấn đề nghị trường đang bàn bạc, thảo luận.
Mặc dù không phải là phổ biến nhưng rõ ràng hiện tượng trên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là ảnh hưởng đến niềm tin của dư luận vào cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lực của nhân dân và rõ ràng tình trạng này phải được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Trước mắt, HĐND các cấp cần có giải pháp cải tiến, đổi mới nội dung hoạt động theo hướng tiết kiệm thời gian, cụ thể, thiết thực hơn, tránh tình trạng chương trình nghị sự quá nặng nề, thiếu hiệu quả. Đặc biệt là đối với trường hợp đại biểu thiếu gương mẫu, không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ vi phạm mà HĐND có hình thức bãi nhiệm hoặc cử tri bãi nhiệm đại biểu đó. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đồng thời xứng đáng với niềm tin mà nhân dân đã gửi gắm qua những lá phiếu tín nhiệm của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.