(HNM) - Trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, cán bộ, đảng viên, nhân sĩ trí thức, các tầng lớp nhân dân, các nhà ngoại giao, doanh nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Thủ đô.
Các ý kiến đều đánh giá cao những thành tựu nổi bật Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời bày tỏ tin tưởng sâu sắc Thủ đô Hà Nội trong nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục giữ vững vị thế trung tâm chính trị, hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế, kinh tế, tài chính, dịch vụ, thương mại và du lịch… xứng đáng là trái tim, là niềm tin, hy vọng của cả nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng:
Hà Nội dần tạo được một “thành phố trong công viên”
Nhiệm kỳ 2015-2020 là một giai đoạn Hà Nội phát triển sôi động, mạnh mẽ, chất lượng hơn, đưa đến một thành phố xanh, trật tự, xứng đáng là Thủ đô, là niềm tin, hy vọng của cả nước. Cá nhân tôi nhận thấy, Hà Nội hiện nay xanh hơn rất nhiều so với trước đây.
Hà Nội đã dần tạo được một “thành phố trong công viên”. Đi đâu chúng ta cũng thấy các đường hoa rực rỡ, cây xanh được bố trí hài hòa, hợp lý. Cùng với đó, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Hà Nội cũng được thực hiện tốt, đưa đến diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Những đại lộ rộng lớn, những khu đô thị do doanh nghiệp trong nước xây dựng là điểm nổi bật mà không phải thành phố nào trên thế giới cũng làm được như Hà Nội.
Hà Nội đã rất cố gắng, chú trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển với cơ sở hạ tầng, khu công nghệ cao và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô... để người dân Thủ đô được sinh sống, học tập và làm việc trong điều kiện trong lành, an toàn nhất.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhà xã hội học:
Đặt văn hóa là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
Hội nhập văn hóa không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, mà còn mở rộng, kết nối tới mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội hiện đại từ văn hóa - xã hội, giáo dục, môi trường đến khoa học - công nghệ, pháp luật... Rõ ràng rằng, hội nhập quốc tế vừa là thời cơ vừa là thách thức to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Bởi lẽ đó, nhiều năm qua Hà Nội đã tập trung gìn giữ, phát huy, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa riêng có của mình. Hà Nội, thành phố của hơn nghìn năm tuổi, “Thành phố Vì hòa bình” với những phẩm chất của truyền thống văn hiến - anh hùng đã được Đảng bộ, nhân dân Thủ đô giữ gìn và ngày càng sáng tỏ.
Nhằm tạo sức bật mới trong phát triển văn hóa, Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng văn hóa ứng xử trên tất cả các lĩnh vực như: Xây dựng văn hóa, đạo đức công vụ; xây dựng công dân Thủ đô thanh lịch; xây dựng văn hóa nông thôn mới... Từ quan điểm chỉ đạo đặt văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô của Thành ủy Hà Nội với những nội dung cụ thể tạo những chuyển biến quan trọng cho Hà Nội, chúng ta hết sức kỳ vọng thành phố sẽ tạo được dấu ấn mới về văn hóa.
Đồng chí Đặng Thị Minh, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên:
Thành công lớn nhất của xây dựng nông thôn mới là hoàn thành dồn điền, đổi thửa
Theo tôi, cái được lớn nhất trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương là chính quyền đã tập trung dồn điền, đổi thửa thành công 100% đất sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch lại ruộng đất, cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả; qua đó hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình tôi, nhờ dồn điền, đổi thửa đã tích tụ được gần 1ha đất để phát triển kinh tế trang trại, hiệu quả kinh tế cao lại tốn ít lao động, nhân công, do vậy vẫn có điều kiện tham gia làm nghề truyền thống. Nhờ đó, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.
Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Hà Nội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ giáo dục, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Trong 5 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra, dẫn đầu toàn quốc về số lượng học sinh giỏi với gần 20.000 học sinh giỏi cấp thành phố; 418 học sinh đoạt giải cấp quốc tế. Quy mô giáo dục có bước phát triển mạnh với 2.748 trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn Hà Nội. Toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, số học sinh 6 tuổi vào học lớp 1 hằng năm đạt 100%.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục và coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Mục tiêu này của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề ra là rất cần thiết để thực hiện tốt Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Với lợi thế đi đầu cả nước triển khai thực hiện mô hình giáo dục đặc biệt từ cách đây 30 năm, Hà Nội đã thành công trong việc tạo niềm tin, động lực cho học sinh hoàn thiện nhân cách, tự học, tự rèn luyện.
Thời kỳ hội nhập quốc tế với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, để chuẩn bị hành trang cho thế hệ tương lai tự tin, làm chủ thiết bị công nghệ, thành phố đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống giáo dục thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, trong đó, đặc biệt coi trọng việc học tập suốt đời và khả năng phát triển lâu dài của học sinh.
Đồng chí Chu Tuấn Hải, đảng viên trẻ Công ty cổ phần VTC Dịch vụ di động:
Hà Nội sẽ sớm trở thành đô thị thông minh, phát triển bền vững
Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Hà Nội về các mặt kinh tế, xã hội, đô thị. Trong đó, lĩnh vực đô thị đã tạo dấu ấn đặc biệt bởi các khu đô thị mới khang trang hiện đại với những kết nối tiện ích mang lại đời sống văn minh, an toàn cho đông đảo cư dân.
Hà Nội đã lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững trên cơ sở ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Người dân Thủ đô đã được sử dụng ứng dụng thông minh trong nhiều lĩnh vực. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tiếp tục được duy trì, mở rộng. Tất cả xã, phường, thị trấn đều kết nối mạng để triển khai các ứng dụng dùng chung của thành phố phục vụ công dân, doanh nghiệp được hiệu quả. Những kết quả bước đầu của giai đoạn hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh đã được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng và mong muốn mở rộng.
Tôi tin rằng, trong nhiệm kỳ tiếp theo của Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành các hệ thống điều hành thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số để tiến tới mục tiêu phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.
Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro:
Hà Nội vẫn giữ được nét hấp dẫn và đặc trưng riêng
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng và phát triển ấn tượng, Hà Nội vẫn giữ được nét hấp dẫn và đặc trưng riêng. Tôi đánh giá cao việc thành phố Hà Nội liên tục mở cửa và gắn kết với các sự kiện, hoạt động quốc tế trong những năm gần đây như được UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo nhằm nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới cho Thủ đô, cũng như chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Giải đua xe Công thức 1. Trong số các sự kiện quốc tế của thành phố, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam cũng đã tích cực đóng góp một số hoạt động, chẳng hạn như Tuần lễ ẩm thực Italia hay Triển lãm Magister Raffaello nhân dịp kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa Raffaello.
Thủ đô Hà Nội đang tiến tới một giai đoạn phát triển mới với nhiều thành tựu nhưng cũng sẽ gặp một số thách thức trong việc giải quyết ô nhiễm không khí và hệ thống giao thông đường bộ. Quy hoạch đô thị phù hợp là chìa khóa bảo đảm duy trì vị thế của Hà Nội trong số các thành phố lớn của Đông Nam Á. Một mục tiêu quan trọng khác cho tương lai là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phong phú của thành phố. Hà Nội cần kết hợp hài hòa khi vừa là cơ quan đầu não của đất nước, vừa là một điểm du lịch lớn và là một khu công nghiệp quan trọng. Tôi kỳ vọng trong tương lai, Hà Nội sẽ đầu tư nhiều hơn vào nghệ thuật, văn hóa và công nghệ mới để thực sự là một thành phố thông minh.
Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho:
Mong muốn góp phần vào nỗ lực trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Hà Nội
Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ và chính quyền thành phố, Hà Nội đã tiến từng bước vững vàng trong việc trở thành không gian đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp nước ngoài; trong đó, sự nỗ lực và sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc là điều chúng tôi đánh giá rất cao. Những yếu tố này chính là động lực khiến Samsung không chỉ dừng lại ở việc đầu tư một trung tâm nghiên cứu phát triển phần mềm di động hồi năm 2013, mà giờ đây còn quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Với việc xây dựng Trung tâm R&D mới này, chúng tôi kỳ vọng năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được tăng cường, không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các công nghệ liên quan đến sản phẩm mà còn đẩy mạnh nghiên cứu về AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn), 5G..., tạo tiền đề để Việt Nam đi trước đón đầu với những thay đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi mong rằng, dự án này cũng góp một phần vào nỗ lực của chính quyền và Đảng bộ thành phố trong việc định hướng phát triển Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.