(HNM) - Cuối tháng 8-2019, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức cho đoàn của Australia khảo sát du lịch tại Hà Nội và Quảng Ninh.
Chương trình xúc tiến du lịch tại chỗ này cho thấy sự năng động của ngành Du lịch Hà Nội trong việc thu hút nguồn khách từ các thị trường chi tiêu cao, góp phần thực hiện thành công cả hai chỉ tiêu về khách quốc tế và tổng thu từ khách du lịch như Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo đã đề ra.
Hoàn thành vai trò cầu nối
Việc ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giai đoạn 2017-2021, trong đó có phối hợp tổ chức đón các đoàn lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm đến khảo sát ở Hà Nội là thuận lợi lớn cho ngành Du lịch Thủ đô. Từ khi bắt đầu thực hiện thỏa thuận hợp tác đến nay, ngành Du lịch Hà Nội và Vietnam Airlines đã phối hợp tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành, truyền thông từ châu Âu, Australia, Nhật Bản và Đại sứ quán Nga tại Việt Nam tới khảo sát các điểm đến du lịch ở Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình.
Nhờ xúc tiến du lịch tại chỗ, có thể giới thiệu cặn kẽ với các doanh nghiệp du lịch, giới truyền thông của nước ngoài về các sản phẩm du lịch. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch trong nước gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch nước ngoài, thay vì mất nhiều chi phí để xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Theo ông Phan Trọng Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Lữ hành Luxury Travel, việc ngành Du lịch Hà Nội tổ chức xúc tiến du lịch tại chỗ với các doanh nghiệp lữ hành Australia đã giúp Luxury Travel có thêm một số đối tác mới; đồng thời, tăng cường mối quan hệ với các đối tác cũ tại Australia. Còn theo ông Phạm Nguyên, Giám đốc Công ty Lữ hành Viet Quality Travel, hoạt động xúc tiến tại chỗ của ngành Du lịch Hà Nội đã giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác từ các thị trường khác, với nhiều khách du lịch sẵn sàng chi tiêu cao như Australia, Nhật Bản.
Liên quan đến vấn đề này, ông John Trott, đại diện Vietnam Airlines tại Australia và cũng là đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành Australia khảo sát tại Hà Nội khẳng định: "Qua khảo sát tại các điểm đến du lịch ở Hà Nội, Quảng Ninh vào cuối tháng 8-2019 vừa qua, đã giúp chúng tôi nhìn nhận rõ hơn về tiềm năng du lịch nơi đây, từ đó sẽ có nhiều cách thức quảng bá tới người dân Australia".
Trước đó, các doanh nghiệp du lịch của Nhật Bản cũng đã tiến hành khảo sát tại Hà Nội. Sau cuộc khảo sát đó, ông Suzuki Keisuke, Tổng Giám đốc Công ty MS Tourist Ltd. Chubu (Nhật Bản) cho biết, đoàn khảo sát rất ấn tượng với cảnh quan, kiến trúc độc đáo của chùa Tây Phương và buổi diễn tái hiện văn hóa Bắc Bộ của chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. Theo ông Đỗ Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn liên kết với các công ty lữ hành của Việt Nam để xây dựng tour du lịch, trong đó có sản phẩm "Tinh hoa Bắc Bộ”.
Tuy chưa có thống kê cụ thể, song Nhật Bản, Australia, các nước châu Âu là những thị trường khách mà ngành Du lịch Hà Nội hướng đến thông qua các cuộc xúc tiến tại chỗ, đều nằm trong nhóm 10 thị trường khách hàng đầu của du lịch Hà Nội.
Cơ hội để hoàn thiện
Các cuộc xúc tiến tại chỗ không chỉ mang đến cơ hội hợp tác, mà còn để hoàn thiện chính mình, thông qua những góp ý của các doanh nghiệp du lịch nước ngoài. Ông John Trott, đại diện Vietnam Airlines tại Australia và cũng là đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành Australia khảo sát tại Hà Nội cho rằng, bên cạnh các nét riêng có, đặc sắc thì một số điểm đến cũng cần chú ý đầu tư hệ thống biển chỉ dẫn, nhằm tạo thuận lợi cho du khách trong việc di chuyển.
Còn ông Suzuki Keisuke, Tổng Giám đốc Công ty MS Tourist Ltd. Chubu (Nhật Bản) đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường việc trao đổi, cập nhật thông tin để thu hút khách du lịch từ Nhật Bản. Ngoài ra, cần tổ chức các tour du lịch theo chủ đề, sự kiện, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách Nhật Bản.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thông qua những góp ý của các doanh nghiệp du lịch nước ngoài, ngành Du lịch dần khắc phục được những hạn chế, để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn. Đó là mục tiêu mà ngành Du lịch Hà Nội hướng đến. "Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch luôn là nhiệm vụ hàng đầu để thu hút du khách quốc tế đến Thủ đô. Trong thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội tiếp tục đón và hỗ trợ các đoàn lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm, các phóng viên quốc tế đến khảo sát sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá về du lịch Thủ đô" - ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.
Chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc xúc tiến tại chỗ do ngành Du lịch Hà Nội đóng vai trò cầu nối, mà trước mắt là cuộc khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành châu Âu tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc vào cuối năm nay. Điều quan trọng, ngành Du lịch tận dụng cơ hội này như thế nào để quảng bá hình ảnh của Thủ đô, đất nước, nhằm thu hút thêm khách du lịch quốc tế, tăng nguồn thu cho đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.