Kinh tế

Xuất khẩu xanh: Doanh nghiệp cần nhanh chóng vào cuộc

Lam Giang 24/11/2023 - 14:47

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thương mại xanh đã trở thành lựa chọn tất yếu trên toàn cầu. Nhiều quy định liên quan tới môi trường, giảm phát thải carbon đang được thị trường các nước phát triển áp dụng với hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chóng vào cuộc...

Đây là khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách tại diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24-11 tại Hà Nội.

dien-gia-24.11.jpg
Các diễn giả tham gia diễn đàn. Ảnh: Lam Giang

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn; Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...

Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.

“Chính vì vậy, để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Liên quan tới CBAM được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng từ 1-10 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc thông tin, cơ chế này sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn, từ nay đến năm 2034. Các doanh nghiệp sản xuất muốn tham gia xuất khẩu vào thị trường này cần có những biện pháp về đánh giá phát thải nhà kính cũng như chuyển hướng sản xuất phát thải carbon thấp.

Cũng theo ông Phương Nam, ngoài EU, một số thị trường cũng đưa ra các quy định về điều chỉnh biên giới carbon. Đáng chú ý là thị trường Mỹ có dự luật Đạo luật Cạnh tranh sạch S.4335, dự kiến áp dụng từ đầu năm 2024 đối với hàng hóa sơ cấp, từ năm 2026 áp dụng với cả hàng hóa thành phẩm.

24.11-thep-xk.jpg
Thép là một trong 6 mặt hàng đánh thuế carbon khi xuất khẩu sang EU từ 1-10.

Những quy định liên quan đến môi trường của các thị trường xuất khẩu đặt ra nhiều thách thức với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, song cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh và bền vững. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang nhanh chóng thích ứng và vào cuộc. Một trong số đó là ngành thép.

Ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, dự kiến năm 2023, xuất khẩu thành phẩm và bán thành phẩm thép của Việt Nam đạt 11,6 triệu tấn, trong đó ASEAN chiếm 32%, EU 28%, Mỹ 9%...

Theo ông Thái, hiện công nghệ thiết bị của ngành thép vẫn đan xen giữa quy mô nhỏ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng cao với công nghệ hiện đại, quy mô lớn. Do đó, để thích ứng với xu hướng phát triển xanh, ngành thép Việt Nam đã đưa ra lộ trình hướng tới trung hòa khí nhà kính đến năm 2050. Một giải pháp trọng tâm là các nhà máy sản xuất hiện thực hiện chuyển đổi từ lò cao, lò thổi sử dụng nguyên liệu quặng sắt, nhiện liệu than cốc sang công nghệ mới tiết kiệm và hiệu quả hơn, đồng thời thu giữ CO2 vào năm 2035. Đối với các dự án mới, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm tối đa phát thải khí có hại.

Bà Nguyễn Minh Huệ, Quản lý dự án, Công ty Tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA gợi mở, trước tiên, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và thay đổi nhận thức, đặc biệt, cần lưu trữ, chuẩn hóa số liệu sản xuất để kiểm soát nội bộ và có các báo cáo về kiểm kê khí nhà kính nhằm minh bạch sản xuất, sau đó từng bước nâng cao.

Bộ Công Thương cho biết, cùng với việc tuyên truyền, cập nhật thông tin tới các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về giảm phát thải khí nhà kính, các chính sách, tiêu chuẩn sản phẩm xanh, Bộ sẽ tiếp tục định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu xanh: Doanh nghiệp cần nhanh chóng vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.