Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu từng bước vượt qua khó khăn

Thanh Mai| 08/06/2013 07:05

(HNM) - Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013 đã được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thực tế hơn 5 tháng đầu năm đã chứng minh điều này...


Da giày - nhiều cơ hội

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu da giày tháng 5 đạt 750 triệu USD, tính chung 5 tháng đầu năm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Chủng loại giày, dép xuất khẩu chủ yếu là nhóm sản phẩm có đế ngoài và mũ giày bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp, mũ giày bằng nguyên liệu dệt… Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) đánh giá, sự ổn định từ các thị trường truyền thống, sự gia tăng đơn hàng từ bạn hàng mới khiến triển vọng xuất khẩu tương đối khả quan.

Ngành da giày đang có triển vọng đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Ảnh: Giang Sơn


4 tháng đầu năm, các thị trường truyền thống đều có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 100 triệu USD, trong đó Mỹ dẫn đầu với 755,34 triệu USD, sau đó là Anh (149 triệu USD), Bỉ (140,56 triệu USD), Nhật Bản (121,31 triệu USD)...

Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do FTA, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong quá trình hoàn tất, dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu. Sự kiện đầu tiên đánh dấu dự báo đã trở thành hiện thực là từ ngày 1-1-2014, sản phẩm giày dép Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2014-2016. Khi FTA của Việt Nam-EU chính thức có hiệu lực, thuế suất nhiều chủng loại giày dép vào EU sẽ là 0%. Nhiều đơn hàng mới tới từ các nhà nhập khẩu Anh, Đức đã đến với các DN trong ngành. Trong trường hợp Hiệp định thương mại TPP đàm phán thành công, ngành có cơ hội mở rộng kim ngạch xuất khẩu vào một thị trường rộng lớn với 2,7 tỷ người, chiếm 50% GDP của thế giới; được hưởng mức thuế ưu đãi 0% so với mức 14,3% hiện nay. Dự kiến, thị trường khối TPP sẽ chiếm hơn 47% tổng kim ngạch của ngành da giày Việt Nam, đặc biệt thị trường Mỹ sẽ chiếm 31%. Sức cạnh tranh của sản phẩm giày dép sẽ nâng cao đáng kể so với các nước xuất khẩu giày dép lớn như Trung Quốc, Ấn Độ vốn không phải là thành viên TPP…

Tuy nhiên, Lefaso cũng cho rằng, không dễ dàng để ngành tận dụng được những cơ hội nêu trên. DN sẽ phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật, khả năng làm chủ thị trường nội địa, tỷ lệ nội địa hóa… để bảo đảm điều kiện thụ hưởng thuế suất ưu đãi. Hiện tại, xuất khẩu của ngành chưa bền vững bởi sản xuất còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ngành mới chủ động được 40-50% nguyên liệu, chủ yếu là đế giày và chỉ khâu trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu.

Gạo - tăng tốc xuất khẩu

Trong hai tháng 7-8 tới đây, trên thị trường thế giới cầu lớn hơn cung, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp cụ thể về vấn đề này (cơ bản là mua tạm trữ khoảng 1 triệu tấn lúa quy gạo từ ngày 15-6 đến 31-7). Với tình hình xuất khẩu gạo hiện nay, DN lỗ 25-30 USD/tấn, DN không chịu mua tiếp nên VFA sẽ chỉ định và giao chỉ tiêu DN mua. VFA chấp nhận giảm giá, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu nhằm kích thích giá thị trường trong nước. Với giải pháp này, DN tiếp tục chịu lỗ nhưng sẽ tạo được sự luân chuyển lúa gạo trên thị trường, không để giá giảm thêm nữa. Cùng lúc, việc mua tạm trữ được đẩy mạnh, cộng với xuất khẩu sẽ giúp cho giá ở mức chấp nhận được. Chính phủ khuyến khích DN mua tạm trữ càng nhanh càng được ưu tiên trợ giá. Thời gian hỗ trợ lãi suất chỉ có 3 tháng, nếu sớm DN sẽ được hưởng đủ 3 tháng, mua chậm thời gian hỗ trợ sẽ giảm xuống.

Các quốc gia Châu Phi được dự báo năm 2013 sẽ nhập khẩu gạo nhiều hơn 2012 (Thị trường các nước này nhập khẩu mỗi năm 6,4-6,5 triệu tấn). Do vậy, VFA đang tìm cách mở rộng thêm các thị trường Châu Phi thay vì giới hạn một số nước để tăng thêm lượng gạo xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng cấp Chính phủ được khoảng 1,1 triệu tấn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu từng bước vượt qua khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.