(HNM) - Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng có hiệu lực đã 8 năm, nhưng nhiều vùng nông sản vẫn thiếu sự liên kết. Chuyện tự ý phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân trở thành "cơm bữa".
Đây cũng là những bức xúc của các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nông dân tại Hội thảo "Liên kết "bốn nhà" - giải pháp cơ bản nâng cao giá trị trái cây Việt Nam" tổ chức ngày 22-4 tại Tiền Giang.
Mối liên kết lỏng lẻo
Trên thực tế, việc liên kết "bốn nhà" đã phần nào đem lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây nhưng hiệu quả và tính bền vững thấp. Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong liên kết "bốn nhà" vướng mắc chủ yếu là giữa doanh nghiệp và nông dân.
Khách tham quan xem trưng bày trái cây tại festival. Ảnh: SGGP |
Liên quan đến chính sách liên kết hỗ trợ nông dân, ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim (Tiền Giang) bức xúc, chính sách liên kết "bốn nhà" giúp đỡ nông dân, nông thôn nhưng thực chất sức tác động chưa làm thay đổi bao nhiêu, chưa tạo được nền tảng và đòn bẩy phát triển một cách đồng bộ. Có rất nhiều tổ chức, sở, ngành, các nhà khoa học có kế hoạch hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, nhưng mạnh ai nấy làm và thực hiện dàn trải chưa tạo được nền tảng, một sự định hướng chắc chắn. Ông Ngàn cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, nhưng thực tế, rất ít người đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn. Vì vậy, nông dân phải vay bên ngoài với lãi suất cao, làm tăng chi phí sản xuất, những người không vay được vốn đành sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, chỗ dựa của nông dân là HTX nông nghiệp, nhưng sự liên kết xã viên chưa đủ mạnh để giúp đỡ vốn liếng dành cho sản xuất. Hiện tại, các HTX kinh doanh trái cây còn phải chịu gánh nặng về chính sách thuế giá trị gia tăng 5% đầu ra và 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi tư thương mua bán trôi nổi lách, lẩn trốn được khoản thuế này. Đây là khó khăn lớn trong cạnh tranh đối với các HTX sản xuất, kinh doanh trái cây xuất khẩu Việt Nam.
Ông Phạm Quang Đấu, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp An Giang, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong những nước có sản lượng rau quả lớn trong khu vực châu Á và thế giới. Lợi thế là vậy, nhưng rau quả Việt Nam loanh quanh hết "trúng mùa - rớt giá" đến "được giá - thất mùa", số lượng và chất lượng không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Không những vậy, trái cây Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà do cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu, nhiều lúc cung vượt quá cầu, trái cây dư thừa làm giảm chất lượng. Mặt khác, giữa doanh nghiệp thu mua xuất khẩu còn tồn tại kiểu tranh mua, tranh bán, cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ thấp uy tín nhau. Bà Lưu Nguyễn Trà Giang, Giám đốc Công ty Chế biến rau quả xuất khẩu Hoàng Gia (Tiền Giang) gay gắt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu tính chuyên nghiệp gây ảnh hưởng đến những doanh nghiệp chân chính và uy tín trái cây Việt Nam. Bà Giang cho biết, có những doanh nghiệp liên tục bị "tin tặc" tấn công với các chiêu thức lừa lọc nhau, khảo giá hoặc chào giá bừa bãi…
… cần tổ chức lại
Xét trên góc độ khách quan, do sản xuất và kinh doanh trái cây vốn gặp nhiều rủi ro, chịu sự "đỏng đảnh" của thị trường nên doanh nghiệp dễ lâm vào tình cảnh bị động. Trong khi đó, đa phần nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm làm ra ít, chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu, tư duy canh tác còn tùy tiện, làm theo phong trào. Và một căn bệnh cố hữu khó chữa là tự ý phá hợp đồng khi giá thị trường cao hơn giá ký kết khiến doanh nghiệp không mặn mà hợp lực tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết vấn đề lợi ích giữa các bên, Nhà nước phải đứng ra làm trọng tài thống nhất các mối liên kết. Theo ông Đấu, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác gắn với phát triển vùng sản xuất, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từ đó hình thành các vùng nguyên liệu lớn tập trung, thống nhất một quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, có chính sách cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này. Trong hai khâu yếu nhất của ngành hàng trái cây là chế biến và tiêu thụ (bao gồm thị trường nội địa và xuất khẩu) đang thiếu sự chặt chẽ trong chuỗi giá trị. Để khắc phục những bất hợp lý này phải hình thành mối liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm gắn kết với người sản xuất, phải có hàng rào, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Văn Ngàn cho rằng, để có sự liên kết chặt chẽ giữa "bốn nhà" thì Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học là người khởi xướng tạo nên nền tảng vững chắc, sau đó nông dân sẽ hưởng ứng theo sau. Cùng với đó, Nhà nước nên có những chính sách tín dụng cho vay ưu đãi, thông thoáng để nông dân cải tạo vườn tạp, mua trang thiết bị sản xuất. Doanh nghiệp cần ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các nhà khoa học cần tận tình hơn nữa, khẩn trương chuyển giao tiến bộ khoa học ứng dụng vào trồng trọt, có như vậy, ngành trái cây Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.