Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu tiếp tục vượt khó

Lam Giang| 12/07/2022 06:17

(HNM) - 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng giữa bối cảnh giá nguyên, nhiên liệu liên tục biến động; xung đột địa chính trị khiến hoạt động thương mại toàn cầu giảm tốc. Dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt nhiều khó khăn, đòi hỏi các bộ, ngành, doanh nghiệp phải triển khai thêm nhiều giải pháp để vượt khó.

Sản xuất áo veston xuất khẩu tại Tổng công ty May10 - CTCP. Ảnh: Minh Hoa

Giữ vị thế xuất siêu

Nhờ những giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh, chú trọng nhập khẩu nguyên, phụ liệu, 6 tháng đầu năm 2022, số đơn hàng của Tổng công ty May 10 - CTCP duy trì ổn định với doanh thu tăng trưởng 2 con số. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho biết: “Nhiều nhóm hàng của May 10 đã có đơn hàng dài hạn. Trong đó, mặt hàng veston đã ký được hợp đồng đến hết năm 2022; các mặt hàng áo sơ mi, jaket, đồng phục cũng đã ký hợp đồng đến hết tháng 9-2022”.

Trên bình diện toàn ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 16,94 tỷ USD, tăng 19,5%, xuất khẩu vải ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%. Ước tính, ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,86 tỷ USD. Cùng với hàng dệt may, xuất khẩu nhiều nhóm hàng cũng đạt kết quả tích cực, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 49,26 tỷ USD hàng hóa, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu 136,68 tỷ USD hàng hóa, tăng 16,3%, chiếm 73,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh biến động về giá cả nguyên liệu, thương mại toàn cầu giảm tốc, nhưng nửa đầu năm nay nước ta vẫn xuất siêu 710 triệu USD, cho thấy những nỗ lực không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, khi xuất khẩu hàng hóa tới thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã khai thác tốt những thị trường khác để bù đắp.

Cũng theo các chuyên gia, với 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%), các doanh nghiệp đã nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, thích ứng, nắm bắt thị trường, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu. Kết quả này cũng khẳng định những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, nếu như xuất khẩu nửa đầu năm chưa chịu nhiều ảnh hưởng của lạm phát, đồng thời tăng trưởng dựa trên các hợp đồng cũ, mức giá cũ, thì với những diễn biến mới của tình hình thế giới và trong nước, hoạt động xuất khẩu nửa cuối năm 2022 sẽ đối mặt không ít khó khăn.

Giữ ổn định yếu tố đầu vào

Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến hết quý III-2022, việc bảo đảm vị thế xuất siêu sẽ là thách thức khi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá nguyên, nhiên liệu tăng vọt, các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lạm phát cao gây áp lực lên giá hàng hóa xuất khẩu của nước ta, khiến tỷ trọng xuất khẩu và lợi nhuận của doanh nghiệp có thể sụt giảm.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải lưu ý, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cước vận tải chưa “hạ nhiệt” đang tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cũng chia sẻ, 50% nguyên, vật liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn do quốc gia này vẫn áp dụng phong tỏa để chống dịch Covid-19. Trong khi đó, sức cầu mặt hàng dệt may tại nhiều thị trường sụt giảm do lạm phát sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng xuất khẩu của ngành trong nửa cuối năm nay.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, quan trọng nhất là phải giữ ổn định các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp có thể đàm phán, vận dụng cơ chế bảo hiểm về giá nguyên, nhiên liệu hoặc điều chỉnh hợp đồng tùy theo tình hình cụ thể. Mặt khác, cơ quan chức năng cần tìm cách giảm giá nguyên, vật liệu và chi phí logistics, tạo thuận lợi thương mại... để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Với thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ trao đổi thường xuyên với phía bạn để bàn giải pháp tăng hiệu suất thông quan, hướng đến vận chuyển hàng hóa thông suốt, ổn định, lâu dài.

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong những tháng cuối năm 2022, ngành Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Bộ sẽ theo dõi biến động của tình hình quốc tế để kịp thời ứng phó; đồng thời rà soát, kiến nghị giảm các loại thuế, phí hoặc có cơ chế hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng lớn khi giá đầu vào của một số mặt hàng tiếp tục tăng cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu tiếp tục vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.