Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu thủy sản: Có đạt mốc 7 tỷ USD?

Ngọc Quỳnh| 19/09/2016 06:23

(HNM) - Xuất khẩu thủy sản của cả nước đã có những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, sự cố môi trường ở miền Trung vừa qua ảnh hưởng khá nhiều đến nguồn cung sản phẩm, trong khi các nước nhập khẩu đưa ra hàng loạt rào cản kỹ thuật dẫn đến thị trường xuất khẩu thiếu ổn định.

Thiếu hụt nguyên liệu

Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng chủ lực như tôm và cá tra xuất khẩu đều tăng, trong đó: Xuất khẩu tôm tăng 4,6% so với cùng kỳ, còn cá tra tăng 4,1%.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình An (Cần Thơ). Ảnh: Huy Hùng


Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Dù kim ngạch xuất khẩu thời gian qua tăng, nhưng thị trường thiếu ổn định.

Chất lượng mặt hàng xuất khẩu chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nên vấp phải một loạt rào cản kỹ thuật ở các nước nhập khẩu, điển hình như Luật Nông trại 2014 (Farm Bill) của Mỹ… Mặt khác, do ảnh hưởng thời tiết, nhất là các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước nên diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp. Hiện diện tích nuôi cá tra cả nước đạt 4.500ha, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái; diện tích nuôi tôm tăng 1,8%, nhưng sản lượng giảm 4,5% làm cho nguyên liệu chế biến thủy sản bị thiếu từ 30 đến 40%. Ngoài ra, sự cố môi trường ở một số tỉnh miền Trung làm giảm 60% sản lượng thủy sản đánh bắt, thu mua của doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương đánh giá, ngoài việc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, giá các loại thủy sản đều giảm, lợi nhuận thấp, thị trường không ổn định. Trong hai năm (2016-2017), Ngành Thủy sản Việt Nam tiếp tục đối diện với tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Ngành Thủy sản sẽ đối mặt với nhiều thách thức như: Vấn đề thương hiệu, ghi tên nhãn hàng hóa là yêu cầu bắt buộc khi xâm nhập thị trường các nước thành viên.

Ngoài ra, Ngành Thủy sản Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, nếu không đáp ứng các điều khoản chung, xuất khẩu thủy sản sẽ bị hạn chế khi thâm nhập thị trường các nước. Do nuôi trồng nhỏ lẻ, người nuôi chưa có ý thức ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc từ việc nhập con giống đến quy trình nuôi nên việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của thủy sản Việt Nam gặp khó. Thậm chí, vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc thú y trong nuôi trồng thủy sản dẫn đến sản phẩm còn tồn dư chất kháng sinh... Những bất cập này đang cản trở mục tiêu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm nay đạt mốc 7 tỷ USD.

Tháo gỡ khó khăn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, cùng với khắc phục thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, Bộ NN&PTNT đang tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật theo hướng chủ động tiếp cận thị trường. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác sang Mỹ vào tháng 11-2016 để vận động Hạ nghị viện Mỹ bỏ phiếu thông qua Nghị quyết của Thượng nghị viện Mỹ về việc dừng triển khai Chương trình thanh tra cá da trơn theo Luật Farm Bill 2014, tạo điều kiện thuận lợi cho cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ từ con giống tới thương phẩm; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có tiềm năng. Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích vùng nuôi an toàn dịch bệnh để truy xuất nguồn gốc xuất xứ...

Trước nỗi lo về thị trường xuất khẩu, ông Trương Đình Hòe kiến nghị Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp về công nghệ đánh bắt xa bờ, bảo quản sau thu hoạch, xúc tiến thương mại, quảng bá thị trường... Bộ NN&PTNT cần xây dựng kế hoạch phổ biến, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về nội dung FTA nhằm tận dụng lợi thế giúp doanh nghiệp tối đa hóa các ưu đãi của hiệp định mang lại khi tiếp cận mở rộng thị trường.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Oai, để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu nhất là các vùng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước để hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất, điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp, hiệu quả; quản lý chặt chẽ giống và vật tư đầu vào, bảo đảm chất lượng, đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng; tăng cường kiểm tra lấy mẫu, giám sát chất lượng...

Được biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện các chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về thủy sản sạch (không kháng sinh) cho người nuôi, cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến sử dụng nguyên liệu sạch, không tạp chất, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu thủy sản: Có đạt mốc 7 tỷ USD?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.