(HNM) - Xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế, hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tìm đầu ra cho sản phẩm nội địa cũng như góp phần tôn cao vị thế, uy tín của hàng Việt với đối tác quốc tế. Trên cơ sở kết quả và những diễn biến tích cực của 9 tháng năm 2017, hoạt động xuất khẩu hứa hẹn sẽ tiếp tục lập
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng qua, nền kinh tế đạt kim ngạch xuất khẩu 154 tỷ USD, tăng tới 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số thể hiện sự bứt phá của hoạt động sản xuất và xuất khẩu, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng tốc hội nhập kinh tế quốc tế; là sự đóng góp thiết thực trong việc bổ sung ngoại tệ cho đất nước. Tốc độ tăng trưởng nói trên vượt rất xa so với chỉ tiêu kế hoạch ban đầu là 7%. Vì vậy, xuất khẩu đang trở thành động lực lớn của nền kinh tế nước ta.
Thực tế cho thấy, hoạt động xuất khẩu ngày càng sôi động, với sự bứt phá rõ rệt khiến kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Đó là lý do để giới chuyên gia dự báo năm 2017 Việt Nam có thể đạt mức xuất khẩu tới 203 tỷ USD, tức là đạt tốc độ tăng trưởng 14,5% - gấp hai lần so với kế hoạch. Đến nay, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao như rau quả, hàng điện tử, điện thoại, máy tính, dệt may... Đặc biệt, kết quả xuất khẩu rau quả Việt Nam đang trên đà tăng trưởng rất mạnh và sẽ là yếu tố đầu vào để kích thích hoạt động trồng, xuất khẩu mặt hàng này theo định hướng sản xuất nông nghiệp sạch, từ đó đạt được mục tiêu “hai trong một” là bảo vệ môi trường kết hợp lợi ích kinh tế.
Việt Nam đang duy trì một số thị trường xuất khẩu quan trọng, nhất là Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN... Đây là những thị trường giàu tiềm năng, có sức mua khá ổn định và có xu hướng gia tăng nhu cầu theo thời gian. Theo Bộ Công Thương, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được phê chuẩn, có hiệu lực thì kết quả xuất khẩu hàng Việt sang khu vực này có cơ hội gia tăng, tạo thêm việc làm, doanh thu cho doanh nghiệp trong nước.
Nguyên nhân đạt được kết quả trên gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trước hết, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập thông qua việc tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do, từ đó thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tăng cường tìm hiểu cơ hội, triển khai đầu tư vào hoạt động sản xuất hướng về mục tiêu xuất khẩu. Tiếp theo, mặt bằng giá có xu hướng tăng trên thị trường thế giới, kể cả đối với nhóm hàng nguyên liệu cũng như hàng chế biến và trở thành yếu tố kích thích xuất khẩu. Vì vậy, khi gia tăng được số lượng hàng hóa xuất khẩu thì giá trị kim ngạch cũng tăng tương ứng. Bộ Công Thương cho rằng, việc cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục nhằm chủ động phục vụ doanh nghiệp một cách thực chất của Chính phủ và các cơ quan chức năng đã mang lại niềm tin, hỗ trợ hoạt động kinh doanh nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.